Trang gốc

Trang web BuddhaSasana

VU Times font

 

Cẩm Nang Tu Học Dành Cho Tầng Lớp Tại Gia Cư Sĩ
(Tập I)

Tỳ khưu Giác Hạnh
(Hồ Quang Khánh)

Lưu ý: Ðọc với phông chữ VU Times (Viet-Pali Unicode)


MỤC LỤC

Lời nói đầu

Phần (I): Không sát sanh.
Phần (II): Không trộm cắp.
Phần (III): Không tà dâm.
Phần (IV): Không nói dối.
Phần (V): Không uống rượu và các chất say.
Phần (VI): Kết luận.
Phần (VII): Tài Liệu Trích Dẫn.

-ooOoo-

LỜI NÓI ĐẦU

Cuốn sách Cẩm Nang Tu Học Dành Cho Tầng Lớp Tại Gia Cư Sĩ này được sáng tác bởi Tăng sinh Giác Hạnh (Hồ Quang Khánh) hiện đang theo học chương trình Hậu Đại Học thuộc Phân Khoa Nghiên Cứu Phật Học tại University of Kelaniya, thủ đô Colombo, Tích Lan.

Sau những năm tháng du học ở ngoại quốc, tôi đã được học qua những lớp Phật học từ thấp lên cao dưới sự hướng dẫn của những giáo sư khác nhau trong các trường Đại Học ở Miến Điện (Myanmar) và Tích Lan (Sri Lanka). Với tâm nguyện tầm cầu Chân lý của Đức Từ Phụ Như Lai, tôi hằng ước mơ làm sao để học và hiểu một phần nào nhỏ bé trong biển pháp mênh mông bất tận của Ngài, trước áp dụng hầu mong mang lại lợi ích cho chính bản thân, sau cố gắng đem hết khả năng của mình để phụng sự cho Đạo Pháp qua nhiều phương diện khác nhau trong việc thuyết giảng, dịch thuật, truyền đạt kiến thức, hoặc viết những cuốn sách,vân vân... Theo quan niệm của tôi, có như thế thì khỏi tổn phí những hạt cơm vàng ngọc của thiện nam tín nữ, mặc khác không lãng phí thời gian đối với kiếp sống tu hành. Vì lý do đó, tôi đã tinh tấn vượt qua mọi khó khăn và sắp xếp chút thời gian để viết cuốn sách mỏng này với mục đích gửi biếu chư Phật tử Việt Nam thân yêu trên khắp năm Châu.

Tuy nhiên, với kiến thức thô thiển về Phật pháp và kinh nghiệm còn nông cạn trong khi sử dụng ngôn từ cũng như cú pháp. Vả lại đây chỉ là bước khởi đầu trên con đường cầm bút của tôi, thiết nghĩ rằng không sao tránh khỏi những vấp váp và sai lầm. Vì thế, tôi thành thật ngưỡng mong các bậc cao minh từ bi chỉ giáo để lần tái bản sau được hoàn chỉnh và tốt đẹp hơn.

Nhân đây, tôi xin chân thành đa tạ chư tác giả của những tác phẩm mà tôi đã trích dẫn trong khi thực hiện tài liệu này.

Cũng không quên thành tâm tri ân Ven. Indacanda, Ven. Palita, Đại Đức Tâm An, Sư Cô Từ Ngọc, Sư Cô Huệ Ân, Sư Cô Huyền Châu, Sư Cô Nguyên Hương. Dr. Bình Anson và những Phật tử hữu ân: Cô Tư Khánh Huy, Cô Cẩm Dung,... đã góp ý, khích lệ và hỗ trợ cho tôi trong thời gian tu học và hoàn thành tư liệu này.

Xin hồi hướng tất cả phước báu trong sạch này đến Thầy Tổ, Cha Mẹ, huynh đệ, ân nhân, thân bằng quyến thuộc, các bằng hữu, và hết thảy chúng sanh trong cõi ta bà này.

Colombo, ngày 14 tháng 12 năm 2004
Tỳ Khưu Giác Hạnh
(Hồ Quang Khánh)

-ooOoo-

"Sabba-pāpassa akaraṇaṃ,
kusalassa upasampada,
sacitta-pariyodapanaṃ,
etaṃ Buddhana’ sāsanaṃ."

(Không làm mọi điều ác.
Thành tựu các hạnh lành,
Tâm ý giữ trong sạch,
Chính lời chư Phật dạy).
 --
(Dhammapada, verse 183).

Phần (1): Không sát sanh.

Không sát sanh là một trong những giới được Đức Thế Tôn chế định cho hàng xuất gia cũng như tại gia. Giới này Đức Thế Tôn nhấn mạnh không nên sát hại sinh mạng của con người, và loài vật, cũng không tán thành sự chém giết, hay khuyến khích kẻ khác giết; mà trái lại phải phóng sanh, và bảo vệ chúng. Con người cũng như loài vật luôn luôn tham sống và sợ chết. Chúng ta, ai cũng coi sanh mạng của mình là quý, là của báu tuyệt đối, ai cũng muốn bảo vệ, trau dồi và nuông chiều tấm thân vật lý này. Và tất cả các loại động vật cũng đều quý thân mạng của chúng như chúng ta tuy nó không biết nói như loài người. Theo lẽ công bình, điều mà ta không thích thì không nên làm cho tha nhân hay loài khác. Chúng ta ai cũng muốn có một cuộc sống an vui, hạnh phúc, trường thọ thì nỡ lòng nào chúng ta nhẫn tâm sát hại và đoạt mạng sống của người hay những con động vật khác. Nếu mình muốn đối phương tôn trọng sự sống của mình thì mình cũng nên tôn trọng sự sống của đối phương. Vì thế, Đức Thế Tôn khuyên chúng ta không nên sát sanh. Vả lại, trong vòng sinh tử luân hồi bất tận chúng ta đã từng làm cha mẹ, anh em, vợ chồng, con cái và thân bằng quyến thuộc lẫn nhau. Cho nên, Đức Thế Tôn khuyên chúng ta không nên sát sanh là điều vô cùng hợp lý. Hơn nữa, trong khi chúng ta đề cập đến nhân quả nghiệp báo của Phật giáo điều này khiến cho cuộc sống của chúng ta đi từ thấp lên cao, từ bất thiện đến chí thiện, từ một kẻ dã man hung bạo trở thành một người lương thiện hiền thánh, và dần dần chúng ta sẽ đạt được những kiếp sống khả quan hơn nếu chúng ta còn tiếp tục luân lưu trong saṃsāra (vòng luân hồi) này. Như vậy, việc Đức Thế Tôn khuyên không nên giết sinh mạng không những tôn trọng sự sống cho tha nhân và những loại thú vật khác mà còn thăng tiến tâm linh cho chính mình không những trong kiếp hiện tại mà còn những kiếp vị lai cũng rất ảnh hưởng,.

Không sát sanh sẽ làm tăng trưởng tấm lòng Từ bi của bạn "đình ác tác thiện." Từ bi là tình thương hoàn toàn vị tha, không biên cương, vắng bóng huyết thống và tràn đầy trong sáng. Đây là một trong những yếu tố cốt tủy của Phật giáo. Từ có nghĩa là ban những niềm vui đối với tha nhân, giã sử thấy con mình đã hạnh phúc an vui rồi, thế nhưng muốn người con mình cứ mãi mãi an vui, hạnh phúc như thế và hơn nữa. Bi có nghĩa là làm cho tha nhân chóng thoát khỏi những nỗi thống khổ càng sớm càng tốt, như người mẹ trong khi thấy đứa con của mình đang trong cơn quằn quại bởi một nghịch cảnh nào đó muốn thay thế và gánh chịu cho người con.

Chúng ta là những con người cùng chung sống trong cảnh Dục giới, chúng ta không thể sát hại nhau trong khi chúng ta có dòng máu cùng đỏ, nước mắt cùng mặn, màu da cùng vàng và đôi mắt cùng một màu đen. Hãy trang trải tình thương yêu không chút vị kỷ cho nhau. Chỉ có lòng thương yêu mới làm cho cuộc đời hạnh phúc và tươi vui; chỉ có lòng thương yêu mới giúp con người vươn lên trong cuộc đời đau khổ và đầy bất hạnh của kiếp nhân sinh. Nếu tất cả nhân loại trên thế giới đều không sát hại lẫn nhau thì làm gì có chiến tranh đẫm máu xảy ra, làm gì có những thương nhân được đưa về phòng cấp cứu bởi những chiếc xe cứu thương hằng ngày, làm gì có tiếng kêu la rên xiết trong những lò mổ súc vật đêm khuya. Như vậy, con người sẽ sống yên vui hơn, chan hòa hơn giữa loài người với loài người, và giữa loài người với cầm thú. Chính vì thế, Đức Thế Tôn đã nhiều lần khuyến khích, khen ngợi những ai không sát sinh và chê trách, phê phán những kẻ dã man, đã nhẫn tâm giết người và tàn sát động vật.

Nếu như vậy, thế giới này sẽ bình yên không có sự rên siết, kiêu la của những người xấu số hay những con vật bất hạnh. Và cũng chính nhờ đó mà chúng ta có cuộc sông an vui, hạnh phúc hơn. Như thế, chúng ta cũng không cần tìm cảnh giới thiên đàng ở đâu cho xa mà chính thế giới chúng ta đang trú ngụ là thiên đàng vậy. Nhân đây tôi nhớ lại câu thơ của một vị cao tăng nổi tiếng:

"Sanh về cực lạc làm chi vậy,
Niệm đã yên rồi đâu cũng đây."

Hậu quả của sự sát sanh:

Bất cứ ai hễ giết hại sinh linh, sau khi chết sẽ tái sinh vào bốn khổ cảnh (địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh và A-tu-la). Ngay cả khi người ấy được thoát khỏi những khổ cảnh và tái sinh trong cảnh giới loài người, người ấy phải gánh lấy những hậu quả bất thiện như sau:

1. Thân tướng méo mó, lục căn không tròn đầy và hình dạng xấu xí gớm guốc.
2. Có thân tướng rất xấu xí.
3. Nước da xanh xao và èo ọp.
4. Đần độn và không được hoạc bát.
5. Sợ sệt trong khi chạm trán với sự nguy hiểm.
6. Sẽ bị những người khác giết lại hoặc bị chết yểu.
7. Bị khổ đau do những căn bệnh hoành hành.
8. Có rất ít bạn bè, và
9. Hay bị những người thân yêu xa lìa.

Ngược lại, người kiêng cử sự sát sanh sẽ hưởng được những điều ích lợi trái ngược với những hậu quả ở trên (The Teachings of the Buddha, Tr.141).

Phần (2): Không trộm cắp

Trộm cắp là giới thứ hai trong ngũ giới và bát giới của người tại gia cư sĩ, thập giới của Sa-di và trong 227 giới của Tỳ-Khưu. Trộm cắp là hành động bất lương tri, vô nhân phẩm, hành vi đê tiện, xã hội không thể chấp nhận được. Đức Thế Tôn dạy, từ phẩm vật quý giá như ngọc ngà, châu báu, trân châu, mã não cho đến một lá cây, một cọng cỏ, chủ nhân không cho thì không được lấy, có nghĩa là không có sự cho phép của chủ nhân thì không được phép lấy bất cứ vật gì trong thế gian này cả.

Nói đến trộm cắp có rất nhiều hình thức khác nhau. Ví dụ: như ỷ mạnh, bè đảng giật ngang của người cũng gọi là trộm cắp; cậy ỷ thế quyền làm tiền kẻ yếu cũng xem như là trộn cắp, bắt chẹt người ta trong khi túng thiếu cũng gọi là trộm cắp, cho vay nặng lãi cũng gọi là trộm cắp, tích trữ đầu cơ để bán giá chợ đen cũng thuộc dạng trộm cắp. Dùng mưu mẹo rình rập lén lấy của người cũng gọi là trộm cắp; cân non, đong thiếu, trốn xâu, lậu thuế; được của người ta mà không tìm cách trả lại cũng gọi là trộm cắp v.v...

Nói tóm lại, bất cứ hình thức nào do tâm tham ngự trị rồi lấy của người một cách bất chính đều gọi là trộm cắp. Chính vì tâm bất thiện đó mà gia đình bất hòa, quốc gia tan nát, chồng không tin vợ, vợ cũng chẳng tin chồng, con không tin cha, cha cũng chẳng tin con, anh không tin em và em cũng chẳng tin anh, hàng xóm lục đục, ẩu đả nhau, thế giới chiến tranh gây tang thương lẫn nhau cũng do trộp cắp.

Đức Thế Tôn ban hành giới không trộm cắp là để ngăn ngừa lòng tham. Nếu chúng ta không trộm cắp thì chúng ta nuôi dưỡng được lòng Từ bi và tránh được nghiệp báo oán thù. Người ta thường nói: "Tiền tài là huyết thống." Như vậy, những kẻ cướp đoạt của người tức là cướp đoạt xương máu của người. Sao chúng ta có thể nói như vây? Bởi vì, của cải không phải tự nhiên nó đi vào nhà mình hay nhà người. Tài sản có được cũng do đổ mồ hôi sôi nước mắt làm thâm đêm mãn ngày mới có chứ đâu phải dễ kiếm . Có nhiều người ngày đêm phải lăn lộn một nắng hai sương mới có một chút tiền tài. Vì thế, tha nhân cướp đi của họ là giống như cướp đoạt huyết mạch của họ. Vì vậy, thế gian có câu tiền tài huyết thống là vậy. Người trộm cắp, nếu không bị pháp luật thế gian trừng trị thì cũng không thoát khỏi luật nhân quả nghiệp báo theo giáo lý nhà Phật. Khi chưa bị bắt thì phạm nhân phải tìm trăm phương nghìn kế để tẩu thoát, sống chui nép trong bóng tối. Khi bị bắt, người trộm cắp phải bị trói buộc, tra khảo, ngồi tù, nhốt khám và thậm chí bị đánh đập.v..v. Phận mình đã đành cực thân khổ trí và ngày đêm ân hận lại còn gây ảnh hưởng cho gia đình, cha mẹ, vợ con, thân bằng quyến thuộc cũng buồn rầu, tủi nhục và xấu hổ theo. Người có tư tưởng gian tham, trộm cắp đến nhà ai họ cũng sợ, và thường hay bị nghi ngờ. Ngược lại người không có tư tưởng gian tham, trộm cắp gian tham thì tạo được sự tin tưởng lẫn nhau trong gia quyến thân tộc và cộng đồng nơi mình đang chung sống. Cho nên, mọi người đều ảnh hưởng được sự yên ổn, hạnh phúc.

Hậu quả của sự trộm cắp:

Bất cứ ai hễ phạm tội trộm cắp sau khi chết sẽ tái sinh vào bốn khổ cảnh (địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh và A-tu-la). Ngay cả khi người ấy được thoát khỏi những khổ cảnh ấy và tái sinh trong cảnh giới loài người, người đó phải gánh lấy những hậu quả bất thiện như sau:

1. Bị nghèo nàn cùng cực.
2. Bị khổ đau về thân và tâm.
3. Bị đau khổ bởi nạn đói và thiên tai.
4. Không bao giờ hoàn thành sở nguyện.
5. Không được ổn định và dễ dàng diệt vong đối với vận rủi.
6. Của cải, tài sản sẽ bị năm kẻ thù tàn phá. Cụ thể là: lụt, lửa, kẻ cướp, nhà vua bất chính, và những người thừa kế đồi bại.

Ngược lại, nếu người ấy kiêng cử sự trộm cắp thì sẽ hưởng được những điều ích lợi trái ngược với những hậu quả ở trên. (The Teachings of the Buddha, tr.142).

Phần (3): Không tà dâm

Trong Phật giáo ghi nhận khổ đau do tham ái, chấp thủ, gây ra, bởi vì chúng là một trong ba độc tố rất nguy hiểm và có thể làm hư hỏng, mất đạo đức và giết chết tâm linh của con người không chỉ trong hiện kiếp mà còn xuyên qua những kiếp trong tương lai. Cho nên, vấn đề ở đây là phải dập tắt khổ đau của từng cá nhân. Trong đó, tham ái là cái mốc quan trọng nhất và nó được sai khiến bởi bàn tay của vô minh.

Trong ngũ giới của tại gia cư sĩ, Đức Thế Tôn chỉ chế giới tà dâm. Nghĩa là không chung sống với người không phải là vợ hay là chồng của mình. Ngay cả vợ hay chồng của chính mình nhưng giao tiếp tình dục không đúng lúc, không đúng chỗ và không chừng mực, và không hợp thời thì cũng bị liệt kê vào tội tà dâm. Nói tóm lại, những sự quan hệ nam, nữ không được luật pháp và luật tục thừa nhận đều được xem như là tà dâm. Vi tế hơn, chúng ta không nên đắm sắc, nghĩ ngợi bất chính, chơi bời lả lơi. Đây là điều kiện để đảm bảo hạnh phúc gia đình, an toàn, và ổn định xã hội.

Không có gì bất hạnh hơn khi phải sống trong một gia đình có sự quan hệ bất chánh. Những hành vi bất chánh giữa mối quan hệ của một trong hai người bạn đời sẽ đưa đến sự cãi vã, ghen tuông, đánh đập, xô ẩu; làm đổ vỡ hạnh phúc gia đình; dẫn đến sự ly hôn; làm cho con cái sống được với mẹ thì mất tình thương của cha, được sống với cha thì mất tình thương của mẹ. Hơn thế nữa, con cái sẽ dễ dàng đi đến những bê tha, thiếu sự giáo dục của người cha hoặc của người mẹ rồi sa đọa vào các tệ nạn xã hội. Bên cạnh đó, bà con không đoái hoài; làng xóm chê trách, bạn bè xa lánh, thanh danh hoen ố, phẩm hạnh lu mờ...

Đức Thế Tôn khuyên chúng ta không nên tà dâm là tôn trọng sự công bằng và hạnh phúc. Mọi người ai cũng muốn có một gia đình đầm ấm, yên vui. Nếu ai cũng giữ được giới này thì xã hội sẽ không có người phá hoại gia cang, làm nhục nhã tông môn, không đưa con người vào đường dâm loạn, bê tha. Như chúng ta thấy trong thực tế, không có sự thù oán nào mãnh liệt bằng sự thù oán do sự lừa dối hay phụ rẫy do tình ái gây ra. Các cuộc án mạng xảy ra hàng ngày hầu như là do nhiều phạm phải khác nhau, thế nhưng phần lớn là kết quả của sự tà dâm. Cho nên, đối với các cư sĩ tại gia, Đức Thế Tôn đã khéo léo dạy bảo một lối sống gia đình hạnh phúc, êm ấm. Trong Pháp cú kinh Đức thế tôn dạy như sau:

"Tà dâm, tà vạy vợ người
Bốn điều bất hạnh
đến thời phải vương:
Một chịu họa hại tai ương
Hai là khó ngủ
dạ thường lo âu
Ba, đời phỉ nhổ ngập đầu
Bốn đọa địa ngục,
đâm xâu, cột đùm!"
(Kinh Lời Vàng, câu 309).

Tội đầy, phải vác, phải bưng
Bất hạnh chạy đuổi,
còng lưng mà bò!
Khoái lạc mảnh tợ đường tơ
Lại hoảng, lại sợ
vui so thấm gì!
Luật vua hình trọng kéo đi!
Gặt quả khốc liệt
dính chi vợ người!"
(Kinh Lời Vàng, câu 309 & 310).

Mẩu chuyện liên quan đến hai Pháp cú trên:

Câu chuyện về anh chàng Khemaka, con trai của người đàn ông giàu có dưới thời Đức Thế Tôn còn tại thế.

Trong khi trú tại Kỳ Viên tự, Đức Thế Tôn thuyết giảng hai Pháp cú trên, liên quan đến anh chàng thanh niên Khemaka , con trai của người đàn ông giàu có. Khemaka cũng là người cháu trai của ông Cấp Cô Độc nổi tiếng thời bấy giờ.

Khemaka vốn là một chàng thanh niên nổi tiếng giàu có, vả lại có vóc dáng khôi ngô tuấn tú, biết bao nhiêu người thiếu nữ say đắm vì sắc tướng của chàng. Thế nhưng, Khemaka đã phạm tội tà dâm không có sự ăn năn hối hận. Những người đồ đệ của nhà vua đã bắt được chàng ba lần về chuyện lang chạ tình dục với những cô thiếu nữ và đã dẫn chàng đến gặp Đức vua. Nhưng vua Ba Tư Nặc đã không có một hình phạt nào đối với chàng, bởi vì chàng là cháu của ông Cấp-Cô-Độc. Vì vậy, chính ông Cấp-Cô-Độc đã đích thân dẫn cháu của mình đến hầu Đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn khuyên chàng Khemaka về những hành động đồi bại chàng đã làm và những hậu quả nghiêm trọng mà chàng phải chịu nhận trong hiện tại cũng như tương lai.

Sau khi Đức Thế Tôn thuyết pháp xong chàng Khemaka chứng đắc Tu-đà-hoàn Quả.

Riêng đối với hàng xuất gia, Đức Thế Tôn dạy nên đoạn tuyệt dâm dục. Vì dâm dục là nguyên nhân đưa đến sự đọa lạc, khổ đau, và luân hồi trong sanh tử. Tham ái càng nặng thì trói buộc càng chặt, đau khổ do đó mà tăng trưởng. Động cơ của tham ái là si, tựa vào gốc si mê, ích kỷ để yêu thương. Do đó, ái chỉ làm cho mình và người đau khổ không chỉ trong hiện kiếp mà nó còn trầm luân sinh tử trong vòng luân hồi bất tận. Nếu sự yêu thương bị ngăn chặn hoặc bị từ chối thì yêu thương sẽ biến thành oán thù. Nếu yêu thương được thỏa mãn thì càng mê đắm, mù quáng. Mục đích giáo lý của đạo Phật là có khuynh hướng đưa tất cả chúng sanh và nhất là con người thoát ra khỏi khổ đau; mà nguyên nhân chính của sự khổ đau ấy là ái dục. Vì vậy, đạo Phật dạy con người nên xa lìa ái dục càng sớm càng tốt và hằng tán dương những người đã,đang và sẽ có khuynh hướng xa lìa ái dục.

Hậu quả của sự tà hạnh:

Bất cứ ai hễ phạm giới tà dâm sau khi chết sẽ tái sinh vào bốn khổ cảnh (địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh và A-tu-la). Ngay cả khi người ấy được thoát khỏi những khổ cảnh ấy và tái sinh trong cảnh giới loài người, người ấy phải gánh lấy những hậu quả như sau:

1. Bị mọi người ghê tởm, nhàm chán, và không muốn quan hệ.
2. Có rất nhiều kẻ thù.
3. Thiếu hụt về vấn đề của cải và sự thịnh vượng.
4. Bị thiếu thốn hạnh phúc.
5. Bị tái sanh làm thân nữ.
6. Bị tái sinh làm gái điếm.
7. Bị tái sinh trong dòng dõi thấp kém.
8. Phải chạm trán với những sự sỉ nhục, lăng mạ của thế gian.
9. Thân thể bị méo mó, không đủ lục căn.
10. Bị những người thân yêu xa lìa.
11. Bị mất của cải, tài sản.

Ngược lại, nếu người mà kiêng cử tà hạnh sẽ hưởng được những điều ích lợi trái ngược với những hậu quả ở trên. (The Teachings of the Buddha, tr.142 & 143).

Phần (4): Không nói dối.

Nói dối là giới thứ tư trong ngũ và bát giới của người tại gia cư sĩ, giới thứ tư trong thập giới của Sa-di, và giới thứ tư trong 227 giới của Tỳ-khưu. Nói cho đủ là không nói dối hay là không nói láo (hay là nói sai sự thật đối với những gì mình đã được nghe hay là sai lệch đối với suy nghĩ của mình nhằm lừa gạt đối phương), không nói hai lưỡi hay là không nói hai chiều (đến người này thì nói xấu người kia và đến người kia thì nói xấu người nay), không nói lời thêu dệt hay là không thêm mắm dặm muối(ít xít cho nhiều khiến cho bạn bè, thân bằng của người phải chịu cảnh ly tan), không nói lời thô ác hay là không nói lời nguyền rủa độc ác(nói những lời chua chác, cay độc, đắng cay khiến đối phương phải vở mật bầm tim). Như vậy, nên nói lời chân thật, nghe sao nói vậy chứ không nên thêm vào và không bớt ra, không nên đến người này nói thế này, đến người khác nói thế kia, nếu làm như vậy thì khiến mối quan hệ họ hàng hoặc bà con hoặc bạn bè của tha nhân phải ly gián chia lìa, không nên thổi phồng vấn đề bằng những lời hoa mỹ để mị người khác, đừng nên ít xít cho nhiều khiến tha nhân phai tranh cãi, và xô ẩu nhau, không nên dùng lời thô ác, thâm thiểm mắng nhiếc và nguyền rủa tha nhân.

Lời nói là một trong những phương tiện dùng để giao tiếp hay dùng để chuyển tải những thông tin từ người này đến người khác hay từ một khu vực này đến khu vực khác, v.v... Hiện nay, khoa học rất là phát triển cho nên ngôn ngữ giao tiếp cũng đa dạng và vô cùng phong phú, các hệ thống truyền tin hiện đại. Tin tức sẽ được truyền đi nhanh chóng và rộng rãi. Chúng ta cần tôn trọng sự thật và dùng ngôn từ chính xác trong truyền đạt hoặc phổ biến tin tức để khỏi gây cho người khác bức xúc, quần chúng hoang mang. Phật giáo đề cao và rất tôn trọng những lời nói chân thật, hòa nhã, dịu dàng hầu mang lại sự tin tưởng, thông cảm, hài hòa và hạnh phúc.

Chúng ta thử hình dung một cuộc sống mà mọi người luôn luôn lừa dối, phỉnh phờ, mưu hại nhau. Liệu họ có thể tin tưởng nhau để cộng tác và chung sống không? Hay họ luôn nhìn nhau với những cặp mắt không thiện cảm, nhìn nhau bằng những hoài nghi và luôn có tâm lý đề phòng đối với tha nhân. Không biết có nên hay không nên tin vào một người nào đó... Còn hơn thế, những người có học thức cao thì viết sách, viết báo kích bác nhau, nhục mạ nhau...Có nhiều lúc, họ suy luận sai và nói oan cho người khác làm cho người khác ngậm hờn suốt đời, oan ức, tức tối...Trong cuộc sống, có nhiều lúc có nói không, không nói có, nói những lời văn hoa dối mị, hình thành một lối đạo đức khó hiểu, nghe qua thì xem như là đúng, hay, và êm dịu đôi tai của người nghe, thế nhưng trong lòng chứa chất đầy âm mưu toan tính lợi hại. Nhưng thực sự là: "Đạo đức giả." Nhìn bên ngoài thấy họ đối đãi với nhau rất là tốt. Nhưng bên trong lòng họ nham hiểm vô cùng, họ sắp lớp, lập mưu để hại lẫn nhau. Vì vậy, dân gian có câu: "Khẩu Phật tâm xà."

Hành trì giới không nói dối với mục đích là để tôn trọng sự thật, tin tưởng lẫn nhau và điều này dẫn đến sự ổn định xã hội. Ở đời búa nằm trong miệng, sở dĩ giết mình là do lời nói ác. Vì vậy, Đức Thế Tôn dạy:

"Chớ nói lời thô ác, khi ngươi dùng lời thô ác nói với người khác thì người khác cũng dùng lời thô ác nói với ngươi. Thương thay những lời nóng giận thô ác, chỉ làm cho các ngươi đau đớn như bị dao gậy cắt thịt mà thôi."

Chúng ta đang sống trong vọng tưởng. Vì vậy, muốn có một cuộc sống an lạc thực sự thì chúng ta phải cố gắng phá tan vọng tưởng ấy. Nếu không làm được như thế mà còn chồng chất lên cái vọng tưởng của những sự dối trá, lừa phỉnh thì cuộc sống ngày càng điên đảo. Trong đó, động lực chính của sự dối trá là lòng ích kỷ, độc ác, luôn muốn hại người để thỏa lòng dục vọng đen tối của mình. Tuy nhiên, người lừa dối phỉnh gạt, thêu dệt kia sẽ phải đau khổ vì mình, lắm khi vươn thù mắc oán, nhiều lúc phải tan gia bại sản. Do đó, người phạm giới nói dối là người đã tự bóp chết tình thương trong lòng của họ. Một khi lòng từ bi không còn nữa, tức là cái động lực chính đưa đến cuộc sống tốt đẹp đã mất, thì cơ nguy của những việc đồi bại, xấu xa sẽ xuất hiện. Vì vậy, muốn có một cuộc sống hạnh phúc trong hiện kiếp cũng như những kiếp trong tương lai, chúng ta nên kiềm chế khẩu nghiệp. Có như vậy, chúng ta sẽ có một cuộc sống tương đối hạnh phúc cho chính mình và cũng là nhân đem lại an lành, hạnh phúc cho tha nhân nói riêng và xã hội nói chung.

Hậu quả của sự nói dối:

Bất cứ ai hễ phạm giới nói dối sau khi chết sẽ tái sinh vào bốn khổ cảnh (địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh và A-tu-la). Ngay cả khi người ấy được thoát khỏi những khổ cảnh trên và tái sinh trong cảnh giới loài người, người ấy phải gánh lấy những hậu quả như sau:

1. Giọng nói không rõ ràng (ngọng, câm...).
2. Hàm răng không đều đặn (bị đề phô, không vô hợp tác...).
3. Hơi thở hôi hám.
4. Nước da xanh xao, sần sùi.
5. Thị giác không tốt, thính giác không nhạy bén.
6. Thân hình khiếm khuyết.
7. Không tạo được ảnh hưởng đối với quần chúng.
8. Lời nói thô kệch, và
9. Tâm luôn luôn trạo cử (vọng động).

Ngược lại, nếu người kiêng cử sự nói dối sẽ hưởng được những điều ích lợi trái ngược với những hậu quả đã đề cập ở trên. (The Teachings of the Buddha, tr.143 & 144).

Phần (5): Không uống rượu và các chất say.

Giới không uống rượu là giới thứ năm trong ngũ và bát giới của người tại gia cư sĩ, giới thứ năm trong thập giới của Sa-di, và giới thứ năm mươi mốt trong Ưng đối trị của Tỳ-khưu. Giới này Đức Thế Tôn không chỉ khuyên chúng ta không nên uống rượu, Ngài còn khuyên chúng ta không nên dùng tất cả những chất men say, nói chung bất cứ chất gì có thể làm cho con người say trong khi uống hoặc sử dụng nó đều bị Đức Thế Tôn không cho phép, chỉ trừ khi dùng nó để chữa bệnh. Cho đến, các chất độc hại làm con người say đắm cũng không được chích, hút (thuốc phiện, xì ke, ma tuý...). Chính mình không dùng, không bảo người khác, không khuyến khích hay không ép nài tha nhân dùng. Có thể nói rượu là chất nguy hiểm hơn cả thuốc độc. Một chén thuốc độc uống vào là chết ngay, nhưng chỉ huỷ diệt tấm thân tứ đại trong hiện kiếp. Còn rượu khi đã uống vào sẽ có nguy cơ mất giống trí tuệ trong nhiều đời, nhiều kiếp. Tuy việc uống rượu chính nó không phải là một tội lỗi hệ trọng như sát sanh hay là trộm cắp..., nhưng nó có thể là nguyên nhân khiến cho những cực ác pháp khác phát sinh. Khi đã uống rượu say thì không còn minh mẫn, trí tuệ không còn sáng suốt để nhận định. Vì vậy, người uống rượu vào rồi thích làm gì thì làm đó không kềm chế được tâm của mình. Tại sao vậy? Bởi vì, chất men và cồn đã dốt cháy tâm khảm của người uống. Cho nên sau đó không biết chuyện gì có thể xảy ra. Nhân đây tôi nhớ lại một câu chuyện về một người phạm tội uống rượu và đây cũng là một ví dụ liên quan đến giới cấm ở trên. Câu chuyện được thuật lại như sau:

Thuở xưa có một anh nông dân hiền lương đang cày ruộng trên cánh đồng, bên cạnh thửa ruộng của anh ta bỗng xuất hiện một hung thần to lớn khổng lồ, kỳ dị, và có ý định giết anh nông dân này. Vì thương mình, vã lại vô cùng kinh hãi cái chết chàng khóc lóc van xin hung thần tha mạng. Vị hung thần đồng ý lời van xin của anh, thế nhưng vị hung thần ra một số điều kiện, vị hung thần bảo:

"Nếu người làm một trong ba việc này ta sẽ tha chết cho ngươi. Một là ngươi phải giết cha của ngươi nếu ngươi muốn sống, hoặc là giết mẹ ngươi, hay uống hết một lít rượu để trên bàn trong nhà của ngươi."

Anh nông dân rất điềm tỉnh và suy nghĩ một hồi sau, với tấm lòng kính cha thương mẹ người nông chọn phương pháp thứ ba, rồi trả lời.

- Xin Ngài cho con được phép uống lít rượu kia.

Ác thần nghe xong tỏ vẻ hài lòng và đắc ý rồi biến mất.

Trưa hôm ấy, sau khi nghỉ làm việc anh nông dân về nhà thấy lít rượu bà mẹcủa mình mua để chuẩn bị cho ngày giỗ ông nội sắp tới. Anh vội vàng chụp lấy và nốc cạn một hơi không cần qua ý kiến của cha mẹ. Người cha thấy đứa con hỗn láo, nắm gậy xông lại đánh anh. Lúc này, men đã thấm. Anh không còn biết phải trái và tình phụ tử gì cả, giật gậy của cha, đánh ông một hèo trên sọ gáo và rủi tay chạm nặng vào sọ não người cha chết ngay. Bà mẹ thấy hoạt cảnh bi đát vội chạy đến ôm con kêu la om sòm. Nhưng anh ta chưa hả cơn giận, cộng thêm cơn say của men nồng cháy liền đánh mẹ túi bụi không một phút dừng tay. Làng xóm chạy lại bắt anh dẫn lên cơ quan vì tội giết cha, đánh mẹ. Tỉnh lại anh mới biết, uống rượu là tội nặng nhất trong ba điều mà hung thần đã ra lệnh đối với anh.

Câu chuyện trên có vẻ như thần thoại. Ở đây chúng ta không xét về việc hư cấu của mẫu chuyện mà xét về nội dung chuyển tải cũng như ý nghĩa thâm sâu và tai hại của nó. Rượu đã làm cho con người mù mắt, lú trí, và tối tăm như kẻ mù loà không thấy đường đi. Thật sự, nếu chúng ta lâm vào tình cảnh giống anh ta tất nhiên chúng ta sẽ chọn một trong ba điều kiện như anh nông dân kia đã chọn. Thế nhưng có ngờ đâu hậu quả của việc uống rượu đối với thực tại đời sống con người không thể lường trước được. Do đó, nếu giữ được giới uống rượu thì không mất tiền của, thân ít bệnh tật, không sanh lòng độc ác giết hại, bớt nóng giận, trí tuệ tăng trưởng, tuổi thọ cao, tránh được tình trạng lười biếng, và không mất phẩm hạnh. Được như vậy thì gia đình yên vui, con cái không bị ảnh hưởng xấu về thân cũng như về tâm lý, xã hội yên ổn, nòi giống hùng cường.

Hậu quả của sự phá giới uống rượu:

Bất cứ ai hễ phạm giới uống rượu sau khi chết sẽ tái sinh vào bốn khổ cảnh (địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh và A-tu-la). Ngay cả khi người ấy được thoát khỏi những khổ cảnh và tái sinh trong cảnh giới loài người, người ấy phải gánh lấy những hậu quả bất thiện như sau:

1. Kém cõi về trí tuệ.
2. Thân thể lười biếng, nhác nhớm.
3. Thiếu chánh niệm.
4. Không biết tri ân.
5. Vô tàm và vô quý (không ghê sợ tội lỗi đối với chính mình và cũng không biết hổ thẹn với tha nhân).
6. Tình trạng mất trí, và
7. Có khuynh hướng sẽ mắc phải những ác nghiệp khác.

Ngược lại, nếu người kiêng cử giới không uống rượu và các chất say thì sẽ hưởng được những điều ích lợi trái ngược với những hậu quả ở trên. (The Teachings of the Buddha, tr.144 & 145).

Trên đây là những giới căn bản, Đức Thế Tôn đã chế định năm giới này cho cả người tại gia cũng như xuất gia. Chúng là nền tảng để hình thành nhân cách cao đẹp hơn của những vị xuất gia giữ 10 giới, 227 giới, 250 giới, ...Vì đây là nền tảng đạo đức cho xã hội, cộng đồng. Nếu một xã hội nào hay một quốc gia nào muốn hùng cường, yên lành, an vui, phồn thịnh đều có thể áp dụng những giới cấm trên. Trong kinh Pháp cú Đức Thế Tôn dạy rằng:

"Kẻ nào vọng ngữ, sát sanh
Trộm của thiên hạ,
đành hanh vợ người
Rượu say, ma túy dễ duôi
Là tự đào lỗ
chôn vùi thế gian"
(Kinh Lời Vàng, câu 246 & 247).

Mẩu chuyện này liên quan đến hai Pháp cú trên:

Trong khi trú tại Kỳ Viên tự, Đức Thế Tôn thuyết giảng hai Pháp cú trên, liên quan đến năm vị đệ tử tại gia cư sĩ.

Một ngày nọ, năm vị thiện tín đang trì giới tại Kỳ Viên tự. Hầu như họ chỉ giữ một hoặc hai trong năm giới. Trong số họ có một người xác nhận rằng những giới mà ông ta đang giữ cực kỳ khó và có rất nhiều sự tranh luận giữa họ. Cuối cùng, họ đến gặp Đức Thế Tôn để hỏi về vấn đề này. Đối với họ Đức Thế Tôn đã nói như sau: "Các con không nên xem một giới nào là dễ dàng hày là không quan trọng. Bất cứ giới nào trong những giới cấm phải được tuân giữ một cách nghiêm khắc. Không nên xem nhẹ bất cứ giới nào trong những giới cấm, không có giới cấm nào giữa chúng là dễ dàng để hành trì."

Sau khi Đức Thế Tôn thuyết giảng xong bài pháp này, tất cả năm vị thiện tín đó đều chứng đắc Tu-đà-hoàn Quả.

Như đã nói, đạo Phật là đạo chú trọng đến hạnh phúc, an vui và an lạc của cuộc sống. Những việc làm, lời nói phải được trí tuệ soi sáng. Cho nên, tùy theo trường hợp mà chúng ta nên phương tiện quyền xảo vận dụng trí tuệ của chúng ta trong mọi trường hợp để hầu mong cứu vớt bất cứ chúng sanh nào. Ví dụ: có một ông thợ săn thường vào rừng săn bắn thú vật. Hôm nọ, ông ta rượt con nai tơ và có ý định giết nó để làm bữa tiệc liên hoan cuối năm. Sau mười lăm phút săn đuổi theo con nai tơ ấy với sự thông minh, nhanh nhẹn của con nai ông thợ săn không còn thấy nó nữa. Nhưng trên đường đi tìm nai tơ ông thợ săn gặp một bác tiều phu, bèn hỏi bác ấy rằng: "Hồi nãy giờ bác có thấy con nai tơ nào chạy sang lối này không?" Với trí tuệ thông minh cộng thêm lòng từ bi bao la bác tiều phu không trả lời ngay cho ông thợ săn. Thay vì trả lời bác tiều phu mời vị đó vào nhà uống nước. Sau khi uống nước và nghỉ ngơi xong xuôi ông thợ săn nhắc lại câu hỏi hồi nãy đối với bác tiều phu. lúc này bác tiều phu trả lời rất là trí tuệ nhưng hàm chứa đầy từ tâm. Bác trả lời rằng: "Tôi có thấy con nai tơ đó chạy ngang qua đây trước khi bác vào nhà tôi kia. Chứ lúc mà bác vào nhà tôi uống nước, nghỉ ngơi thì tôi không còn thấy nó nữa." Như vậy, bác tiều phu đã cứu được mạng sống của con nai tơ. Mặc khác, bác tiều phu không phạm giới nói dối như Đức Thế Tôn đã chế định. Như vậy, phương sách trả lời của bác tiều phu vô cùng tuyệt vời, vừa cứu thoát được mạng sống của con nai tơ kia, vừa không phạm giới nói dối cho chính bản thân của mình. Đó mới gọi là phương tiện quyền xảo. Chứ nếu bác tiều phu nói dối với ông thợ săn rằng tôi không thấy con nai tơ nào chạy qua lối này thì bác sẽ phạm giới nói dối. Tuy cũng cứu thoát được con nai kia nhưng đối với bản thân bác tiều phu thì bác sẽ phạm giới. Mỗi khi phạm giới thì cuộc sống tâm linh của bác đó có phần trắc ẩn và áy náy lương tâm. Như thế, không những bất lợi cho bác tiều phu trong hiện tại mà trong tương lai cũng có nhiều điều không tốt đẹp sẽ xảy đến với bác ấy. Bởi vì, bác đã phạm giới nói dối. Vã lại, trong kinh Đức Thế Tôn dạy: "Trước khi hành giả làm bất cứ một công việc gì phải suy xét cho kỹ, việc làm phải có lợi cho cả hai, chứ lợi cho mình và hại cho tha nhân thì cũng không nên làm, hại cho mình và có lợi cho tha nhân thì cũng không nên làm. Những việc gì có lợi cho ngươi lẫn cho tha nhân thì nhứt khoát phải làm ngay." Có như vậy, sở hành mới mang lại lợi ích lớn hơn, tốt đẹp hơn cho số đông. Qua câu chuyện trên chúng ta chứng minh được rằng đó mới là thật sự phương tiện quyền xảo của Phật giáo. Còn ngược lại thì không phải là phương tiện quyền xảo của Phật giáo. Tất cả hành động do thân, khẩu tạo tác, không một hành động nào mà không có sự tham gia của ý thức. Ý là đầu mối cho các hành động thiện ác. Trong Pháp cú kinh Đức Thế Tôn dạy rằng:

"Các pháp do ý dẫn đầu
Ý chủ, ý tạo
bắt cầu đưa duyên
Nói, làm với ý chẳng hiền
Bánh xe, bò kéo
khổ liền theo sau!

Các pháp do ý dẫn đầu
Ý chủ, ý tạo
bắt cầu đưa duyên
Nói, làm với ý tốt hiền
Như hình dọi bóng
vui liền theo sau!."
(Kinh Lời Vàng, câu 1 & 2).

Hai Mẩu chuyện sau đây liên quan đến hai Pháp cú trên:

(Câu chuyện thứ nhất)

Trong khi trú tại Kỳ Viên tự, Đức Thế Tôn thuyết giảng Pháp cú này, liên quan đến Cakkhupāla, vị Đại đức mù.

Một lần nọ, Đại đức Cakkhupāla đến Kỳ Viên tự đảnh lễ Đức Thế Tôn. Đêm hôm ấy, trong khi thiền hành lui tới, Đại đức Cakkhupāla tình cờ giẫm lên những con côn trùng. Sáng hôm sau, có một vài vị Tỳ-Khưu viếng thăm vị Đại đức này đã nhìn thấy xác chết của những con côn trùng. Họ nghĩ không tốt về Đại đức Cakkhupāla và đã trình bày vấn đề này lên Đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn hỏi các ngươi có thấy Đại đức Cakkhupāla giết những con côn trùng đó không? Bạch Ngài không. Đức Thế Tôn nói: "Các ngươi đã không thấy Đại đức Cakkhupāla giết, cũng thế ấy Đại đức Cakkhupāla đã không nhìn thấy những con côn trùng kia. Mặc khác, Đại đức Cakkhupāla đã chứng đắc quả vị A-la-hán, Đại đức Cakkhupāla đã không có chủ tâm để giết và như vậy Đại đức Cakkhupāla hoàn toàn vô tội." Có một số Tỳ-Khưu hỏi rằng: "Tại sao Đại đức Cakkhupāla là một vị A-la-hán mà vẫn còn bị mù"? Nhân cơ hội này, Đức Thế Tôn kể câu chuyện như sau:

Trước đây, có một kiếp Đại đức Cakkhupāla là một vị lương y. Chính Đại đức Cakkhupāla có chữa bệnh đau mắt cho một thiếu phụ nghèo. Bà hứa đến lúc khỏi bệnh, bà và con gái của bà sẽ về làm đầy tớ trong nhà ông lương y. Thuốc quả thật công hiệu, nhưng bà không giữ lời hứa, viện lẽ rằng mắt bà còn tệ hơn trước. Vị lương y ác độc liền nảy sanh một ý tưởng tội lỗi. Ðể trả thù, ông cho thiếu phụ nghèo một thứ thuốc khác làm mù luôn cả hai mắt. Do nghiệp ác trong quá khứ, tuy Đại đức Cakkhupāla đã đắc quả A-la-hán, vẫn phải mang tật mù.

Sau khi Đức Thế Tôn thuyết pháp xong, ba mươi nghìn vị Tỳ-Khưu chứng đắc quả vị A-la-hán. (The Dhammapada: Verses & Stories, tr 135 & 136).

(Câu chuyện thứ hai)

Trong khi trú tại Kỳ Viên tự, Đức Thế Tôn thuyết giảng Pháp cú này, liên quan đến Maṭṭhakuṇḍalī, người Bà-la-môn trẻ tuổi.

Maṭṭhakuṇḍalī là một thanh niên trẻ, tên cha của chàng là Adinnapubbaka, ông ta vô cùng keo kiệt và không bao giờ bố thí cho ai một đồng xu nào. Ngay cả vàng của ông không bao giờ mang tới tiệm để thuê thợ làm, chỉ đưa con trai của ông làm để khỏi phải trả tiền công thợ. Khi đứa con trai ông ngã bệnh, đến một thời gian dài cũng không mời bác sĩ khám bệnh cho con. Khi ông biết rằng người con trai của mình sẽ bị chết, ông khiêng đứa con trai của mình ra ngoài hiên nhà, có như thế mọi người tới thăm sẽ không thể nhìn thấy tài sản trong nhà ông.

Ngay trong buổi sáng hôm đó, sau khi thiền toạ xong, với Thiên nhãn thông Đức Thế Tôn nhìn thấy Maṭṭhakuṇḍalī đang nằm ngoài hiên nhà. Vì vậy, sau khi Ngài và chư Tỳ-Khưu đi vào thành Xá-vệ khất thực, Đức Thế Tôn đứng gần cửa ngỏ của người Bà-la-môn Adinnapubbaka. Đức Thế Tôn phóng luồng hào quang để lôi cuốn sự chú tâm của Maṭṭhakuṇḍalī bởi vì lúc này Maṭṭhakuṇḍalī đang nằm quay mặt vào phía trong nhà. Khi Maṭṭhakuṇḍalī nhìn thấy Đức Thế Tôn thì cơ thể của Maṭṭhakuṇḍalī rất là yếu chỉ bày tỏ sự cung kính của mình qua đức tin trong sạch tuyệ đối. Như thế cũng đủ. Khi Maṭṭhakuṇḍalī qua đời với tâm cung kính Đức Thế Tôn Maṭṭhakuṇḍalī được tái sinh vào cảnh giới Đâu-xuất-đà.

Từ cảnh giới ấy, Maṭṭhakuṇḍalī nhìn thấy cha của mình đang than khóc trong nghĩa địa, Maṭṭhakuṇḍalī giả dạng một lão già và xuất hiện tại nghĩa địa. Maṭṭhakuṇḍalī nói với người cha kiếp trước của mình về vấn đề tái sinh trong cảnh giới Đâu-xuất-đà và khuyên người cha đến mời Đức Thế Tôn để dâng bữa cơm trưa. Tại nhà người Bà-la-môn Adinnapubbaka, ông ta hỏi Đức Thế Tôn rằng: "Bạch Ngài! Trong thế gian này, nếu một người không bao giờ bố thí và giữ giới chỉ có đức tin trong sạch đối với Đức Thế Tôn sau khi chết có thể tái sinh trong cảnh giới Đâu-xuất-đà không"? Vì vậy, Đức Thế Tôn muốn Maṭṭhakuṇḍalī xuất hiện với hình dáng như một con người; vài phút sau Maṭṭhakuṇḍalī xuất hiện với trang phục của chư thiên và kể với họ về chuyện tái sinh ở cảnh giới Đâu-xuất-đà. Chỉ có như vậy mới chinh phục được đức tin của kháng giả rằng người con trai của người Bà-la-môn Adinnapubbaka chỉ đơn thuần bày tỏ đức tin của mình đối với Đức Thế Tôn nhưng sau khi chết đã đạt được sự huy hoàng lớn lao. (The Dhammapada: Verses & Stories, tr 136 & 137).

Tâm ô nhiễm ở đây chính là tâm tham, sân, si. Tâm thanh tịnh là tâm vô tham, vô sân, vô si. Do đó, muốn kiểm soát thân, khẩu, chúng ta cần phải kiểm soát ý, không cho tham, sân, si khởi lên. Trong thế gian vô minh này, tham, sân, si là cội nguồn của tất cả tội lỗi. Kẻ thù độc hại nhất của nhân loại là lòng tham, tức là sự luyến ái, bám víu vào cái được gọi là "ta" hay là "của ta". Tất cả nghiệp dữ xảy ra do lòng tham gây nên. Khi bị trở ngại lòng tham thì tức giận, thù hằn xuất hiện.

Trong Pháp cú kinh Đức Thế Tôn dạy rằng:

"Tham ái sinh bệnh sầu ưu
Lại sinh sợ hãi
lo âu nhiều bề
Người mà tham ái, không mê
u sầu sợ hãi -
đã thề viễn ly!."
(Kinh Lời Vàng, câu 216).

Mẩu chuyện này liên quan đến Pháp cú trên:

Trong khi trú tại Kỳ Viên tự, Đức Thế Tôn thuyết giảng Pháp cú này, liên quan đến người nông dân Bà-la-môn

Lúc bấy giờ vị Bà-la-môn này sống trong thành Xá-vệ, vốn ông ta không phải là Phật tử. Thế nhưng, với thiên nhãn thông Đức Thế Tôn biết rằng nguờì Bà-la-môn này sẽ chứng đắc Tu-đà-hoàn Quả trong một ngày gần đây. Vì vậy, Đức Thế Tôn đã đi đến thửa ruộng người Bà-la-môn đang cày và nói chuyện với ông. Từ đó, người Bà-la-môn trỏ thành thân thiện với Đức Thế Tôn và cám ơn không ngớt lời đối với Đức Thế Tôn, bởi vì Đức Thế Tôn đã làm cho ông ta hăng hái trong công việc của ông trên thửa ruộng ấy. Ngày nọ, ông ta thưa với Đức Thế Tôn rằng: "Bạch Ngài Gotama! khi con thu hoạch những hạt thóc từ thửa ruộng này, con sẽ cúng dường Ngài trước khi con ăn. Con sẽ không ăn cơm cho đến khi con chưa cúng dường đến Ngài một ít."

Tuy nhiên, Đức Thế Tôn đã biết trước người Bà-la-môn này sẽ không có cơ hội để thu hoạch thóc từ thửa ruộng của ông trong năm đó, nhưng Đức Thế Tôn vẫn giữ yên lặng.

Vậy, vào đêm hôm trước người Bà-la-môn thu hoạch thóc thì có một trận mưa rất lớn, nước chảy như thác và đã cuốn sạch toàn bộ thóc của ông. Cho nên, người Bà-la-môn rất đau buồn, bởi vì không còn gạo để nấu cơm dâng cúng đến bạn của ông, Đức Thế Tôn Gotama. Đức Thế Tôn đến nhà của người Bà-la-môn, nhân cơ hội đó ông đã trình bày với Đức Thế Tôn về thảm hoạ khốc liệt đã xảy đến với ông. Đức Thế Tôn trả lời: "Này người Bà-la-môn, bạn không hiểu nguyên nhân của sự phiền muộn, nhưng ta hiểu. Nếu sự sợ hãi và ưu sầu nảy sinh. Chúng nảy sinh bởi vì tham ái."

Sau khi Đức Thế Tôn thuyết pháp xong vị Bà-la-môn chứng đắc Tu-đà-hoàn Quả (The Dhammapada: Verses & Stories, tr. 346 & 347).

Chúng ta luôn luôn lựa chọn, vui thích và say đắm đối với những gì vừa ý, nhưng từ chối và ghét bỏ đối với những gì mình phật lòng. Vừa ý thì luyến ái, đam mê, chấp chặt, bám víu và nâng niu. Trái lòng thì bất mãn, xua đuổi, sân hận, oán ghét, buôn xả và thậm chí nguyền rủa. v.vv... Lòng tham thường thúc dục chúng ta bám víu dục lạc như ăn uống, ngủ nghỉ, tiền tài, danh vọng, sắc đẹp (năm món ngũ dục Đức Thế Tôn thường đề cập trong Kinh điển)..., và tìm mọi cách để thỏa mãn nhục dục. Bởi vì tâm sân khiến cho ta tức giận, lắm khi đến độ cố gắng tìm mọi cách để tiêu diệt điều không ưa thích. Cho đến khi chúng ta tu đạt được những kết quả khả quan trong Phật giáo thì ta diệt được tự ngã không còn chấp cái "ta" nữa thì ta nhận thức được rằng, tất cả đều là tạm bợ, mông mênh, không thật và tất cả đều bị định luật vô thường chi phối. Lúc ấy, tham, sân, và si tự nhiên tiêu tan, không còn trong tâm trí của chúng ta nữa.

Tham, sân, si được Đức Thế Tôn nêu rõ trong Pháp cú kinh như sau:

"Lửa tham ghê lắm ai ơi!
Hận sân cũng vậy,
đốt người, đốt ta!
Lưới nào bằng lưới si ma?
Sông nào sánh được
ái hà dòng sâu?"
(Kinh Lời Vàng, câu 251).

Mẩu chuyện này liên quan rất mật thiết với Pháp cú trên và được Đức Thế Tôn thuyết giảng trong khi Ngài trú Kỳ Viên tự:

Trong khi Đức Thế Tôn trú tại Kỳ Viên tự, Ngài thuyết giảng Pháp cú này, liên quan đến năm người đệ tử tại gia cư sĩ.

Lúc bấy giờ, hiện diện có mặt của năm người tại gia cư sĩ trong khi Đức Thế Tôn thuyết pháp tại Kỳ Viên tự. Trong số đó có một người ngủ gật trong khi đang ngồi nghe pháp, người thứ hai thì dùng những ngón tay vẻ trên nền nhà. Vị thứ ba lay động thân cây, người thứ tư đang nhìn lên hư không. Chỉ có vị thứ năm trong số họ chăm chú nghe Đức Thế Tôn thuyết giảng vô cùng cung kính. Trong lúc ấy, ngài A-Nan đang hầu và quạt Đức Thế Tôn. Trong khi đang làm thị giả ngài A-Nan nhìn thấy những hành vi khác nhau của năm người đệ tử tại gia cư sĩ và bạch với Đúc Phật rằng: "Bạch Đức Thế Tôn! Trong khi Đức Thế Tôn thuyết pháp giống như những giọt nước mưa lớn rơi từ trên bầu trời xuống, chỉ có một vị trong nhóm năm người kia đã lắng nghe một cách nhiệt tâm tinh cần." Ngài A-Nan đã miêu tả với Đức Thế Tôn những hành vi khác nhau của bốn người kia và hỏi Đức Thế Tôn tại sao họ có những cách cư xử khác nhau như vậy?

Sau đó Đức Thế Tôn giải thích cho Ngài A-Nan nghe: "Này A-Nan, những vị đệ tử tại gia cư sĩ này không thể giải thoát những tập khí của họ trong những kiếp quá khứ. Trong trường hợp này, người thứ nhất đã làm kiếp con rắn; thường thường con rắn hay khoanh mình lại để ngủ, cũng thế ấy, người đàn ông này ngủ trong khi đang lắng nghe giáo pháp. Người đang vẽ trên đất bằng bàn tay của mình trước kia đã làm kiếp con giun đất, người lay động thân cây trước đây làm kiếp con khỉ, còn người nhìn lên bầu trời trước đây là nhà thiên văn học, và người chăm chỉ lắng nghe giáo pháp trước đây là nhà chiêm tinh. Này A-Nan, trong sự chuyển tiếp này, con phải nhớ rằng người chăm chỉ ân cần thì có khả năng hiểu giáo pháp và có rất nhiều người không thể lảnh hội những gì đã được thuyết giảng bởi ta."

Lại một lần nữa Ngài A-Nan hỏi Đức Thế Tôn rằng: "Bạch Thế Tôn! Những gì đã làm chướng ngại mọi người không có thể hiểu được giáo pháp? Đức Thế tôn trả lời: "Này A-Nan! Tham, sân, và si là tam độc và chính nó đã ngăn cản mọi người trong khi học hỏi giáo pháp. Tham dục thiêu đốt con người, không có lửa nào giống như tham dục. Thế giới này có thể bị thiêu đốt trong khi bảy mặt trời xuất hiện cùng một lúc, nhưng điều đó rất là hiếm khi xảy ra. Tham dục luôn luôn thiêu đốt mọi người không có một sự dừng nghỉ.

Sau khi Đức Thế Tôn thuyết pháp xong, người lắng nge giáo pháp chăm chỉ liền chứng đắc Tu-đà-hoàn Quả. (The Dhammapada: Verses & Stories, tr. 367 & 368).

Thực sự, chúng ta khổ đau bởi vì chấp "ngã" và "ngã sở." Cho đến khi nào chúng ta không còn chấp ngã và ngã sở thì chúng ta sẽ không còn khổ đau.Vì vậy, trong khi lần bước trên tầng thang tiến hóa về mặt tinh thần, chúng ta dần dần từ bỏ luyến ái từ thô kệch cho đến vi tế, mọi hình thức đeo víu vào những gì liên quan đến "ta" và "của ta." Đến khi ấy hành giả tự nhiên xem thường các dục lạc, dần dần chấm dứt mọi hình thức luyến ái, và một ngày tươi đẹp kia, hoàn toàn dập tắt lửa tham. Và cũng chính vì vậy trong kinh Pháp cú Đức Thế Tôn dạy như sau:

"Do ái sinh bệnh sầu ưu
Lại sinh sợ hãi
lo âu nhiều bề
Ái không đắm, dục không mê
U sầu sợ hãi
ê chề trốn xa!
(Kinh Lời Vàng, câu 212).

Ái luyến sinh bệnh sầu ưu
Lại sinh sợ hãi
lo âu nhiều bề
Người mà ái luyến không mê
U sầu sợ hãi
cận kề được đâu!
(Kinh Lời Vàng, câu 213).

Hỷ ái sinh bệnh sầu ưu
Lại sinh sợ hãi, lo âu
nhiều bề
Người mà hỷ ái không mê
U sầu, sợ hãi -
chúng chê dở mồi!
(Kinh Lời Vàng, câu 214).

Dục ái sinh bệnh sầu ưu
Lại sinh sợ hãi
lo âu nhiều bề
Người mà dục ái không mê
U sầu, sợ hãi
chán chê chẳng gần!
(Kinh Lời Vàng, câu 215).

Tham ái sinh bệnh sầu ưu
Lại sinh sợ hãi
lo âu nhiều bề
Người mà tham ái, không mê
u sầu sợ hãi -
đã thề viễn ly!."
(Kinh Lời Vàng, câu 216).

Mẩu chuyện này liên quan đến vị đại phú có người con trai qua đời:

Trong khi tại Kỳ Viên tự, Đức Thế Tôn thuyết giảng Pháp cú 212 này, liên quan đến nỗi đau buồn của người gia chủ giàu có bởi vì đứa con trai thân yêu của ông bị chết.

Một lần nọ, có cảm giác rất đau buồn về cái chết của đứa con trai. Ông ta thường đến nấm mồ và khóc lóc thảm thiết không biết bao nhiêu lần ở đó. Vào một buổi sáng sớm, Đức Thế Tôn đã nhìn thấy vị gia chủ giàu có kia qua thiên nhãn thông của mình. Vì thế cho nên, Ngài cùng một vị Tỳ-Khưu đi đến nhà vị gia chủ đó. Ở đó, Đức Thế Tôn hỏi vị gia chủ sao ngươi có cảm giác bất hạnh thế? Lúc đó, vị gia chủ tường trình lại cái chết của người con trai cho Đức Thế Tôn nghe và cũng chính điều đó khiến ông ta đau buồn, ưu sầu thê thảm vậy. Vì thế, Đức Thế Tôn nói với vị gia chủ như sau: "Tất cả chúng sanh được sinh ra trên cõi thế này một ngày nào đó sẽ bị chết, thật sự, cuộc đời chấm dứt bằng cái chết. Con phải luôn luôn nhớ sự thật hiển nhiên rằng cuộc đời chấm dưát bằng cái chết. Không nên nghĩ rằng chỉ có người con thân yêu của con là đối tượng của cái chết. Không nên sầu ưu hoặc tổn thương lắm. Sầu ưu và sợ hãi xuất hiện trong con là do tham ai."

Sau khi Đức Thế Tôn thuyết pháp xong, vị gia chủ giàu có kia đã chứng đắc Tu-đà-hoàn Quả. (The Dhammapada: Verses & Stories, tr. 343 & 344).

Mẩu chuyện này liên quan đến cái chết của người cháu gái tên là Sudattā của bà đại thí chủ Visākha trong thời Đức Thế Tôn còn tại thế:

Trong khi Đức Thế Tôn trú tại Kỳ Viên tự, Đức Thế Tôn thuyết giảng Pháp cú này, liên quan đến nữ thí chủ Visākha, người thí chủ nỗi tiếng ở tu viện Pubbārāma.

Ngày nọ, người cháu gái của bà tên là Sudattā bị chết, bà Visākha vô cùng bi thương, khổ luỵ về cái chết của người cháu... Vì thế cho nên, bà đi đến tịnh xá để hầu Đức Thế Tôn. Khi Đức Thế Tôn thấy bà, Ngài nói rằng: "Này Visākha, con có nhận thức rằng có rất nhiều người chết mỗi ngày trong thành Xá vệ không? Nếu con nhìn họ như nhìn đứa cháu của con thì con sẽ không còn khóc lóc và ưu buồn nữa. Đừng để cái chết của đứa bé gái kia làm ảnh hưởng con quá nhiều. Ưu sầu và sợ hãi nảy sinh bởi tham ái." (The Dhammapada: Verses & Stories, tr. 344 & 345).

Mẩu chuyện những chàng hoàng tử Licchavī:

Trong lúc trú tại Kūṭāgāra tịnh xá trong thành Tỳ-Xá-Ly, Đức Thế Tôn thuyết giảng Pháp cú này, liên quan đến những chàng hoàng tử Licchavī.

Vào một ngày lễ hội, Đức Thế Tôn cùng với nhóm Tỳ-Khưu đi vào thành phố Tỳ-Xá-Ly, Trên đường đi, Ngài và chư vị Tỳ-Khưu gặp những chàng hoàng tử Licchavī, trang phục của họ rất là thanh lịch. Trong khi nhìn thấy họ mặc trang phục của nhà vua Ngài nói với chư vị Tỳ-Khưu: "Này chư Tỳ-khưu, những ai chưa đến cảnh giới Đâu xuất đà thì nên ngắm những chàng hoàng tử Licchavī này." Những chàng hoàng tử đang trên con đường đi đến vườn dục lạc kia. Ở đó, chúng cãi lộn với cô gái điếm và họ sẽ đi đến sự đánh nhau rất sớm. Như hậu quả, một vài người trong nhóm họ sẽ bị loã máu và mang về nhà. Đức Thế Tôn và chư vị Tỳ-Khưu sau khi ngọ trai trong thành phố Tỳ-Xá-Ly xong trở về tịnh xá, Ngài và chư Tỳ-Khưu nhìn thấy những chàng hoàng tử bị thương tích và được mang về nhà.

Liên quan đến biến cố ở trên chư Tỷ-kheo nhận xét rằng: "Những chàng hoàng tử này bị hư hỏng chỉ bởi vì một người đàn bà." Đối với họ Đức Thế Tôn trả lời, " chư Tỳ-Khưu, sầu ưu và sợ hãi nảy sinh là do tham ái hưởng thụ và dục lạc" (The Dhammapada: Verses & Stories, tr. 345).

Mẩu chuyện nói về chàng thanh niên Anitthigandha.

Trong lúc trú tại Kỳ Viên tự, Đức Thế Tôn thuyết giảng Pháp cú này, liên quan đến một chàng thanh niên trẻ tên là Anitthigandha.

Chàng thanh niên Anitthigandha sống trong thành phố Xá vệ. Anh ta cưới một cô gái sắc nước hương trời trong thành phố Sāgala, thuộc nước Maddas. Trong khi cô dâu đang đi từ nhà đến thành phố Xá vệ, đột nhiên cô lâm bệnh và bị chết trên đường. Khi chú rể nghe cái chết thảm thương của người vợ anh ta bị vỡ tim.

Tại điểm gặp nhau này, Đức Thế Tôn biết rằng đó là thời gian chín muồi để chàng thanh niên trẻ này chứng đắcTu-đà-hoàn Quả trên con đường đi về nhà của anh. Cha mẹ của anh thanh niên này cúng dường Đức Thế Tôn bữa cơm trưa. Sau khi ngọ trai xong, Đức Thế Tôn nói với cha mẹ của anh ta khiêng anh ra trước mặt Đức Thế Tôn. Khi anh ta đến, Đức Thế Tôn hỏi anh ta tại sao con đau buồn và bi thảm vậy? Từ đó anh ta tường thuật lại đâù đuôi về cái chết bi thảm của người vợ hiền. Sau đó, Đức Thế Tôn nói với anh ta rằng: "Này Anitthigandha! Tham ái sinh sầu ưu; bởi vì tham đắm dục lạc và vật chất mà sợ hãi và sầu ưu nãy sinh."

Sau khi Đức Thế Tôn thuyết pháp xong, chàng thanh niên Anitthigandha chứng đắc Tu-đà-hoàn Quả. (The Dhammapada: Verses & Stories, tr. 345 & 346).

Mẩu chuyện này liên quan đến Pháp cú trên:

Trong khi trú tại Kỳ Viên tự, Đức Thế Tôn thuyết giảng Pháp cú này, liên quan đến người nông dân Bà-la-môn

Lúc bấy giờ vị Bà-la-môn này sống trong thành Xá-vệ, vốn ông ta không phải là Phật tử. Thế nhưng, với thiên nhãn thông Đức Thế Tôn biết rằng ngừơì Bà-la-môn này sẽ chứng đắc Tu-đà-hoàn Quả trong một ngày gần đây. Vì vậy, Đức Thế Tôn đã đi đến thửa ruộng người Bà-la-môn đang cày và nói chuyện với ông ta. Từ đó, người Bà-la-môn trở thành thân thiện với Đức Thế Tôn và cám ơn không ngớt lời đối với Đức Thế Tôn, bởi vì Đức Thế Tôn đã làm cho ông ta hăng hái trong công việc của ông trên thửa ruộng ấy. Ngày nọ, ông ta thưa với Đức Thế Tôn rằng: "Ngài Gotama, khi con thu hoạch những hạt thóc từ thửa ruộng này, con sẽ cúng dường Ngài trước khi con ăn. Con sẽ không ăn cơm cho đến khi nào con cúng dường đến Ngài một ít."

Tuy nhiên, Đức Thế Tôn đã biết trước vị Bà-la-môn này sẽ không có cơ hội để thu hoạch thóc từ thửa ruộng của ông trong năm đó, nhưng Đức Thế Tôn vẫn giữ yên lặng.

Vậy, vào đêm hôm trước người Bà-la-môn thu hoạch thóc của ông thì có một trận mưa rất lớn, nước chảy như thác đổ và đã cuốn sạch toàn bộ thóc của ông ta. Cho nên, vị Bà-la-môn rất đau buồn, bởi vì không còn lúa gạo để nấu cơm dâng cúng đến bạn của ông, Đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn đến nhà của vị Bà-la-môn, nhân cơ hội đó ông trình bày với Đức Thế Tôn về thảm hoạ khốc liệt đã xảy đến với ông. Đức Thế Tôn trả lời: "Này Bà-la-môn, bạn không hiểu nguyên nhân của sự phiền muộn, nhưng ta hiểu. Nếu sự sợ hãi và ưu sầu nảy sinh. Chúng nảy sinh bởi vì tham ái."

Sau khi Đức Thế Tôn thuyết pháp xong vị Bà-la-môn chứng đắc Tu-đà-hoàn Quả (The Dhammapada: Verses & Stories, tr. 346 & 347).

Sân hận là một thứ tánh bẩm sinh của con người từ vô thỉ kiếp cho nên nó cũng khó chữa trị trong một sớm một chiều. Pāli gọi là vyāpāda hay manopadosa, bao hàm ý nghĩa tức giận, ác ý, bất thỏa mãn, hận thù. Tâm sân hận không chỉ quấy rầy tâm khảm của những người có tâm ấy mà nó còn ảnh hưởng không tốt đến những người đang sống xung quanh. Mỗi khi chúng ta nỗi sân, tâm của chúng ta nóng như lửa đang thiêu đốt núi rừng, tuần hoàn máu của chúng ta làm việc cực nhanh khiến mắt của chúng ta đỏ kè, nét mặt xấu đi một cách không tưởng tượng so với nhưng lúc sống bình thường, sân hận làm cho chúng ta giảm bớt tuổi thọ, và còn khiến thân bằng quyến thuộc, bạn bè có thể xa lánh chúng ta. v..vv... Tâm sân này chỉ triệt tiêu trong tâm hồn của chúng ta trong khi ta tu tập và chứng đạt tầng thánh thứ ba (A-na-hàm) mà thôi. Ngay cả khi chúng ta chứng đạt tầng thánh thứ hai (Tư-đà-hàm) tâm sân nó vẫn còn hiện hữu trong chúng ta, nhưng nó chỉ yếu và vi tế.

Si là một trạng thái không có trí tuệ. Nó luôn luôn hiện hữu trong chúng ta. Si luôn đi đôi với tham hoặc với sân. Si là một trạng thái tâm rất là vi tế. Nó chỉ bị diệt tiêu hoàn toàn trong tâm khảm của chúng ta khi chúng ta tu tập và chứng đạt tầng thánh thứ tư (A-la-hán). Tuy nhiên, nếu chúng ta nỗ lực tu tập một cách tinh tấn thì bất cứ tầng thánh nào trong tứ thánh quả, ngay cả địa vị của Bậc Toàn giác chúng ta cũng có thể đạt được. Bởi vì Đức Thế Tôn của chúng ta thường dạy rằng: "Ta là Phật đã thành, các con là Phật sẽ thành."

Tham, sân, si trong Phật giáo gọi chúng là tam độc. Tai sao chúng ta cho chúng nó một danh hiệu rất là cay độc và không mấy thiện cảm như vậy? Đúng, bởi vì chúng phá hoại tất cả những thiện căn của chúng ta và cũng chính vì nó mà chúng ta cứ luân lưu trôi dạt trong sanh tử luân hồi triền miên bất tận. Cũng do lòng tham, sân, si mà thế giới cứ bùng nổ chiến tranh, quốc gia tham nhũng, phân chia giai cấp, gia đình bất hòa, bạn bè thân thiết nhưng nhiều lúc cũng phải lừa đảo và chém giết lẫn nhau. Muốn trở thành một người tốt, một người có đạo đức thanh cao, chúng ta phải tự thắng tham, sân, si chính trong bản thân mình bằng cách tu học và thực hành giáo lý của Đức Từ Phụ Thích Ca. Chúng ta phải tự mình thắp đuốc lên mà đi chứ không một ai có đủ khả năng để đi thế cho ta. Chúng ta tự làm hòn đảo nương tựa cho chúng ta. Ngay cả Đức Thế Tôn là người có đủ năng lực thần thông biến hoá, thế nhưng Ngài cũng không có khả năng đi hay là thực hành thay thế cho chúng ta. Ngài chỉ là một vị hướng dẫn sư cho chúng ta. Đi hay không đi hết thảy đều phụ thuộc vào khả năng và quyết định của mỗi người trong chúng ta.

Liên quan đến những vấn đề trên trong Pháp cú trên Đức Thế Tôn dạy như sau:

"Trăm câu đọc tụng ích gì
Máy móc, nhái lại
khác chi vẹt, nhồng!
Một lời Phật pháp chánh tông
Nghe xong tịnh lạc
trú dòng bất lai!"
(Kinh Lời Vàng, câu 102).

"Vẻ vang tự thắng chính mình
Khó hơn ngàn vạn
chiến binh sa trường!
Chư thiên, phạm đế, ma vương
Làm sao thắng kẻ
"tự thường thắng y?"
(Kinh Lời Vàng, câu 103, 104 & 105).

Tự ta nương tựa cho ta
Có ai "y chỉ"
gần xa mà cầu!
Tự mình điều phục làm đầu
"Y chỉ" khó được,
tu lâu, được rồi!"
(Kinh Lời Vàng, câu 160).

Mẩu chuyện về Tỳ-khưu-ni Kuṇḍalakesī.

Trong lúc trú tại Kỳ Viên tự, Đức Thế Tôn thuyết giảng Pháp cú này, liên quan đến Tỳ-khưu-ni Kuṇḍalakesī.

Kuṇḍalakesī vốn là ngưởi con gái của một phú gia từ thành Vương xá. Cô đã trở thành Tỳ-khưu-ni với thời gian khá dài; nhưng một ngày kia, tình cờ cô gặp một kẻ cướp sắp bị dân làng giết và ngay khi ấy cô tỏ lòng thương yêu kẻ cướp kia vô cùng say đắm. Vì vậy, cha mẹ của cô đã tha chết cho kẻ cướp và họ cưới nhau. Mặc dù, cô yêu chồng tha thiết, chồng của cô vốn là một kẻ cướp lừng danh cho nên chỉ thích của cải và châu báu của cô. Ngày nọ, anh ta dỗ ngọt cô đeo tất cả nữ trang và cùng anh đi lên một ngọn núi để làm lễ cúng dường vị thần. Bởi vì, vị thần đó đã cứu anh ta thoát chết trong khi dân làng chuẩn bị giết anh. Nghe có vẻ hợp lý, Kuṇḍalakesī bèn đi theo chồng, thế nhưng khi họ đến đỉnh núi, kẻ cướp đã có ý định giết cô và lấy tất cả nữ trang. Cô cũng hài lòng, nhưng van xin kẻ cướp tha thứ mạng sống của cô, thế nhưng điều đó là vô nghĩa. Cô nhận thức rằng, nếu không thoát khỏi tay người chồng thì không có phương cách nào để tẩu thoát. Cô đã có cảm giác rất cẩn thận và xảo quyệt. Vì vậy, cô nói với người chồng rằng chúng ta có thể sống với nhau vài giây phút nữa, vì cô muốn hầu hạ ông ta trong giây phút cuối cùng. Cô vừa đi xung quanh ông ta vừa nói một cách cung kính, lợi dụng thời cơ cô đã xô ông ta lộn nhào xuống sườn núi và ông ta bị bất tỉnh.

Sau đó, cô không muốn trở về nhà. Cô lột hết thảy nữ trang của mình treo lên trên cành cây rồi tiếp tục ra đi, thế nhưng không biết đi về đâu. Đột nhiên, cô đến một trú xứ của Paribbājikās (những vị nữ ẩn sĩ lang thang) và ở đây cô trở thành một trong những thành viên của họ. Paribbājikās đã dạy cô hàng nghìn cách ngụy biện; vốn bản chất thông minh chỉ trong một thời gian ngắn cô đã lảnh hội tất cả những gì họ truyền đạt. Sau đó, thầy của cô biểu cô chu du khắp thế giới đó đây và nếu cô có thể tìm ra một vài người trả lời những câu hỏi của cô thì cô nên làm học trò của những vị ấy. Thế rồi, Kuṇḍalakesī đi vòng quanh đảo Jambudīpa (vùng có nhiều cây và quả táo hồng, ở Ấn Độ) để tranh luận với bất cứ những ai muốn tranh luận với cô. Vì vậy, cô được mang một danh hiệu mới "Jambukaparibbājikā."

Một hôm nọ, cô ta đi đến thành Xá vệ. Trước khi vào thành phố để khất thực cô vun một mô đất cát và cắm cành cây vối lên trên, cô thường viết lên mô đất ấy với những dòng chữ có nội dung là mời mọc mọi người ai muốn tranh luận với cô ta thì xin mời. Ngài Sāriputta tranh luận với cô. Kuṇḍalakesī đã đặt hàng nghìn câu hỏi và Ngài Sāriputta đã trả lời thông suốt hết thảy những gì cô hỏi. Sau đó, Ngài sāriputta hỏi cô ta một câu rất đơn giản: "Gì là một? (ekaṃ nāma kiṃ)." Cô ta không thể trả lời, vì vậy, cô thỉnh cầu Ngài Sāriputta dạy cô cách trả lời. Ngài Sāriputta trả lời rằng, trước tiên cô phải trở thành Tỳ-khưu-ni; cô xuất gia làm Tỷ khưu ni với pháp danh Kuṇḍalakesī. Chỉ trong vài hôm sau, cô chứng đắc quả vị A-la-hán.

Sau đó, chư Tỷ-khưu ni hỏi Đức Thế Tôn: "Bạch Đức Thế Tôn! Tỷ-khưu-ni Kuṇḍalakesī có thể đắc quả vị A-la-hán chỉ sau khi lắng nghe một câu pháp ngắn gọn không"? Họ cũng đề cập thêm tiểu sử cua cô Kuṇḍalakesī đã đánh thắng người chồng kẻ cướp trước khi trở thành vị ẩn sĩ lang thang (Paribbājikā). (The Dhammapada: Verses & Stories, tr. 239 & 240).

Mẩu chuyện về người Bà-la-môn Anatthapucchaka:

Trong lúc trú tại Kỳ Viên tự, Đức Thế Tôn thuyết giảng Pháp cú này, liên quan đến người Bà-la-môn Anatthapucchaka.

Một ngày kia, người Bà-la-môn Anatthapucchaka đi đến Đức Thế Tôn và thưa với Ngài rằng: "Bạch Ngài! Con nghĩ rằng Ngài chỉ biết làm sao thực hành để có lợi ích chứ Ngài không biết làm sao thực tập để mang lại không ích lợi." Đức Thế Tôn trả lời, ta cũng biết những gì không lợi ích và tai hại. Sau đó, Đức Thế Tôn liệt kê sáu cách thực hành để phung phí tài sản; đó là: (1) ngủ cho đến khi mặt trời mọc, (2) tính lười biếng, (3) hành động tàn ác, (4) nghiện ngập rượu và những chất say, (5) đi thơ thẩn trên đường vào những thời gian không thích hợp, và (6) tà dâm.

Sau đó, Đức Thế Tôn hỏi người Bà-la-môn rằng: "Ngươi làm sao để kiếm kế sinh nhai?" Người Bà-la-môn trả lời rằng: "Con kiếm sống bằng trò chơi may rủi, ví dụ: như đánh bài." Tiếp theo, Đức Thế Tôn hỏi ông rằng: "Con thắng hay là thua?" Người Bà-la-môn trả lời rằng: "Nhiều lúc con thua và cũng có nhiều khi con thắng." Đức Thế Tôn nói rằng: "Đánh thắng bài bạc không có gì đáng giá để so sánh với sự chiến thắng những bất tịnh tâm." (The Dhammapada: Verses & Stories, tr. 241 & 240).

Mẩu chuyện nói về người mẹ của Kumārakassapa:

Trong lúc trú tại Kỳ Viên tự, Đức Thế Tôn thuyết giảng Pháp cú này, liên quan đến người mẹ của Kumārakassapa.

Một lần nọ, người phụ nữ xin phép chồng của mình để xuất gia. Bởi vì vô minh, cô ta đã đi đến gia nhập với nhóm Tỳ-khưu-ni đệ tử của Đề-bà-đạt-đa. Người phụ nữ này đã mang thai trước lúc gia nhập chúng Tỷ-khưu-ni, nhưng thực sự cô ta không biết. Trong trường hợp này, thai nhi càng ngày càng lớn và những vị đồng tu đã dẫn cô đến thầy Đề-bà-đạt-đa. Thầy Đề-bà-đạt-đa bèn ra lệnh cô hoàn tục. Cô nói với những vị Tỷ-khưu-ni khác rằng: "Tôi không có ý định xuất gia dưới sự hướng dẫn của thầy các ngươi, tôi đến đây là một sự sai lầm lớn. Cho tôi sang Kỳ Viên tự để gặp Đức Thế Tôn." Như vậy, cô đi đến gặp Đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn biết rằng cô đã mang thai trước khi xuất gia và như thế là vô tội; nhưng Ngài không bàn về trường hợp đó. Đức Thế Tôn đã gửi cô đến Đức vua Bình-sa ở thành Kosala, ông Cấp-cô-độc, một người nổi tiếng giàu có và bà Visākha, đại thí chủ của tu viện Pubbārāma, và rất nhiều người. Sau đó, Đức Thế Tôn dạy Ngài Ưu-pā-li giải quyết vấn đề này giữa quần chúng.

Bà Visākha dẫn cô vào sau bức màn; khám cô ta và tường thuật lại với Ngài Ưu-pā-li rằng cô này thật sự đã mang thai trước khi xuất gia. Ngài Ưu-pā-li công bố giữa kháng giả rằng cô này hoàn toàn vô tội và vì thế cô ta hoàn toàn không bị phạm giới. Sau đó, cô ta sinh được một đứa con trai và đặt tên Kumārakassapa. Khi cậu ta lên bảy, biết mẹ của cậu trước đây vốn là một Tỳ-khưu-ni, cho nên cậu bé cũng xin xuất gia Sa-di dưới sự giáo dục của Đức Thế Tôn. Đến tuổi 20 vị Sa-di này được Đức Thế Tôn chấp nhận cho thọ Đại giới, như thế vị Sa-di này đã trở thành một Tỳ-khưu. Sau đó, Đại đức học đề tài thiền từ Đức Thế Tôn và đi vào rừng sâu. Ở đó, Đại đức đã tu thiền một cách kiên trì và tinh tấn trong một thời gian ngắn Đại đức này chứng đắc A-la-hán. Thế nhưng, Đại đức cũng tiếp tục sống trong rừng thêm 12 năm nữa.

Như vậy, bà mẹ của Đại đức Kumārakassapa không gặp con trai của mình suốt 12 năm trời và rất ước mong để gặp lại người con của mình. Một ngày kia, nhìn thấy con mình, bà đuổi theo sau vừa khóc vừa gọi lớn tên của người con. Khi nhìn thấy mẹ của mình, Đại đức Kumārakassapa nghĩ rằng nếu Đại đức nói chuyện với mẹ một cách thâm tình thì bà ta sẽ tham đắm, chấp thủ đối với Đại đức và tương lai tâm của bà sẽ bị ô nhiễm. Vì mục đích tương lai của bà mẹ (Giác Ngộ Niết bàn) Đại đức đã cố tình nghiêm khắc và nói những lời chua cay đến bà mẹ: "Sao thế, bà là một thành viên của Ni-chúng, tại sao không có thể cắt đứt sự luyến ái đối với đứa con trai của mình?" Nghe xong, bà mẹ nghĩ rằng đứa con trai của mình rất tàn nhẫn. Đại đức Kumārakassapa lặp lại những lời nói trước. Trong khi nghe những lời nói chua chát của người con, bà mẹ tức khắc quán chiếu: "À đúng, tôi đã khóc suốt 12 năm trường bởi vì người con trai của tôi. Nhưng, giờ đây con trai của tôi đã cho tôi những lời cay độc. Cần gì tôi phải luyến ái đối với người con trai của tôi?" Từ đó sự luyến ái của bà đã được giảm dần, sau đó bà quyết định cắt đứt sự luyến ái đối với người con của bà. Do nhờ đoạn tận sợi dây luyến ái, bà chứng đắc quả vị A-la-hán Quả ngay trong ngày hôm ấy.

Một ngày nọ, tại buổi họp mặt của chư Tỳ-khưu-ni, có một vài vị Tỳ-khưu-ni hỏi Đức Thế Tôn: "Bạch Ngài! nếu bà mẹ của Đại đức Kumārakassapa đã lắng nghe lời dạy của Đề-bà-đạt-đa, bà và người con trai đã không thể trở thành những vị A-la-hán. Tất nhiên, Đề-bà-đạt-đa đã cố gắng truyền đạt cho họ những điều vô cùng sai lầm; nhưng Ngài là chổ nương tựa của họ!" Đối với họ Đức Thế Tôn dạy rằng: "Này chư Tỳ-Khưu! Trong sự cố gắng để đạt đến cảnh giới chư thiên hoặc quả vị A-la-hán, các con không thể nào phụ thuộc vào những người khác mà các con phải nỗ lực thực hành với chính bản thân của mình." (The Dhammapada: Verses & Stories, tr. 299 & 300).

Kết luận:

Thực sự, biển pháp của Đức Thế Tôn thì bao la bất tận, với trí tuệ bình thường như chúng ta khó có thể lãnh hội hết thảy trong một kiếp. Ngay cả quý Ngài đệ tử của Đức Thế Tôn ngày xưa rất là xuất sắc thế nhưng không bao nhiêu vị lãnh hội được tất cả những gì Đức Thế Tôn trao truyền. Trường hợp Ngài A-Nan cũng chỉ ghi nhớ được những gì Đức Thế Tôn đã thuyết giảng, bởi vì Ngài đã trải qua vô lượng kiếp học hỏi. Đức Thế Tôn đã từng ca ngợi đặc tính của Ngài A-Nan giữa Đại chúng rằng: "Giáo pháp của ta vào tai A-Nan là như nước rót vào bình vậy." Do đó, điều quan trong ở đây là chúng ta phải nguyện cố gắng tinh tấn, kiên nhẫn học và hành không chỉ trong một kiếp mà trong nhiều kiếp nếu chúng ta còn tái sinh làm người. Qua cuốn sách bé nhỏ này, tác giả hy vọng rằng nó sẽ mang lại nhiều điều bổ ích cho những độc giả có khuynh hướng tu hành và cũng từ cuốn sách này, nếu quý vị thực hành đúng và nghiêm túc như lời Phật dạy thì quý vị sẽ sớm thoát khỏi vòng sanh tử luân hồi, giải thoát giác ngộ. Tối thiểu quý vị cũng sẽ có một cuộc sống hạnh phúc về tâm linh trong hiện kiếp.

Cầu nguyện cho tất cả chúng sanh trong cõi Ta bà này chóng thoát khỏi sinh tử luân hồi và sớm Giác Ngộ Niết-Bàn.

"Sabbadānaṃ dhammadānaṃ jināti
sabbarasaṃ dhammaraso jināti
sabbaratiṃ dhammarati jināti
taṇhakkhayo sabbadukkhaṃ jināti."

(Pháp thí, thắng mọi thí!
Pháp vị, thắng mọi vị!
Pháp hỷ, thắng mọi hỷ!
Ái diệt, thắng mọi khổ!)
--
(Dhammapada, verse 183).

---*---

Tài Liệu Trích Dẫn:

- The Dhammapada: Verses & Stories, translated by Daw Mya Tin, edited by the Editorial Committee; Myanmar Pitaka Association, Yangon, Myanmar: 1990.

- The Teachings of the Buddha (Basic Level), Ministry of Religious Affairs; Kaba Aye, Yangon, Myanmar: 1998.

- Bản dịch Anh ngữ của Tỳ kheo Khantipalo, và bản dịch Việt ngữ; Hòa thượng Thích Minh Châu; Sài Gòn, Việt Nam, 1996.

- Bài giảng về Kinh Pháp Cú. Hòa thượng Thích Minh Châu, giảng nhân dịp lễ Phật Ðản 2521, tại Thiền Viện Vạn Hạnh, Sài Gòn, ngày 2-6-1977.

- Kinh Lời Vàng: Thi hoá Dhammapada Sutta, Tỳ kheo Giới Đức; Huyền Không, Huế: 1995.

- Kinh Pháp Cú - Hòa thượng Narada dịch sang Anh ngữ và chú giải; Phạm Kim Khánh dịch sang Việt ngữ,1971, và Kỳ Viên Tự tái bản, 2003.

-Tích truyện Pháp Cú (Buddhist Legends, E. W. Burlingame). Thiền viện Viên Chiếu dịch. Gồm 299 câu chuyện có liên quan đến các câu kệ trong kinh Pháp Cú, trích từ tập Chú Giải Pháp Cú của ngài Phật Âm (Buddhaghosa).

-Nghiên cứu so sánh văn bản kinh Pháp Cú chữ Hán và chữ Pàli, Thích nữ Nguyệt Chiếu.

-ooOoo-

Ðầu trang

 

Chân thành cám ơn Tỳ khưu Giác Hạnh đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 12-2004)

[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 06-01-2005