BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with VU Times font


HẠNH PHÚC AN LÀNH - 3

NHẪN NẠI

Tỳ khưu Hộ Pháp Dhammarakkhita


Lưu ý: Ðọc với phông chữ VU Times (Viet-Pali Unicode)

MÓN QUÀ PHÁP
DHAMMAPANNĀKĀRA

Kính bạch Ngài Đại Trưởng Lão Hộ Nhẫn Khanṭipālamahāṭheravara khả kính!

Tất cả chúng con thành kính dâng lên Ngài phần phước mọn pháp thí này, ngưỡng mong Ngài từ bi chứng giám, để cho tất cả chúng con được sự lợi ích, sự tiến hoá, sự an lạc lâu dài.

Cuộc đời phạm hạnh cao thượng của Ngài, theo thiển ý của chúng con, thật đúng với pháp danh của Ngài.

Kính xin Ngài từ bi hộ trì cho mỗi người chúng con biết giữ gìn, duy trì được đức tính nhẫn nại như Ngài.

Thành kính đảnh lễ Ngài
Phật tử Tổ đình Bửu Long

-ooOoo-

MỤC LỤC

LỜI NGỎ

NHẪN NẠI
THẾ NÀO GỌI LÀ ĐỨC TÍNH NHẪN NẠI
PHÁP HẠNH NHẪN NẠI BA LA MẬT
TÍCH ĐẠO SĨ KHANTIVĀDĪ
TÍCH ĐẠI ĐỨC PUNNA
ĐỨC NHẪN NẠI KHÔNG GÂY OAN TRÁI
THẮNG RỒI KHÔNG BẠI
PHÁP KHÔNG NHẪN NẠI, PHÁP NHẪN NẠI THUỘC LOẠI TÂM NÀO
LỢI ÍCH CỦA SỰ DIỆT SÂN TÂM
KHÔNG NHẬN LỜI CHỬI MẮNG
BIẾT NHẪN NẠI LÀ THẮNG
NHẪN NẠI ĐƯỢC LỢI ÍCH CAO THƯỢNG
PHÁP HÀNH TRỞ THÀNH ĐỨC VUA SAKKA
SÂN TÂM KHÔNG SANH CHƯA HẲN LÀ NHẪN NẠI
SÂN TÂM KHÔNG SANH DO ĐỨC TÍNH NHẪN NẠI
NHÂN DUYÊN CÓ SẮC ĐẸP

VẤN ĐÁP VỀ ĐỀ TÀI NHẪN NẠI
ĐOẠN KẾT

-ooOoo-

Địa chỉ liên lạc và phát hành:

TỔ ĐÌNH Bửu Long
81 Tổ I, Thái Bình I, Long Bình,
Quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh.

-ooOoo-

LỜI NGỎ

Nhẫn nại là một đức tính cao thượng, người có đức tính nhẫn nại là người được hạnh phúc an lành. Trong bài kinh Maṅgalasuṭṭa - Kinh An Lành, Đức Phật thuyết dạy 38 pháp đem lại sự an lành, hạnh phúc cho chư thiên, nhân loại, trong đó có bài kệ rằng:

"Khanṭī ca sovacassaṭā,
Samaṇānañca dassanaṃ.
Kālena dhammasākacchā,
Eṭaṃ maṅgalamuṭṭamaṃ".
(Này tất cả chư thiên, nhân loại,
Có bốn pháp an lành cao thượng:
Một, đức tính nhẫn nại tự nhiên,
Hai, con người dễ dạy hiền lành,
Ba, chiêm ngưỡng các bậc Sa môn,
Bốn, tùy thời đàm luận chánh pháp,
Pháp nào cũng an lành cao thượng).
-- - Khud. Suṭṭanipāṭapāḷi, kinh Maṅgalasuṭṭa.

Trong bốn pháp này, xin giảng giải pháp đầu: "Đức tính nhẫn nại tự nhiên".

Thế nào gọi là đức tính nhẫn nại?

Đức tính nhẫn nại là một đức hạnh cao thượng, một thiện pháp đặc biệt, biết chấp nhận, biết chịu đựng mọi cảnh trái ý nghịch lòng, mà không hề có thái độ sân hận, bực tức, vẫn giữ vững thiện tâm trong sạch một cách tự nhiên, không bị dao động khi gặp đối tượng làm cho bất bình nào.

Đức tính nhẫn nại đặc biệt hơn các thiện pháp khác, là chỉ có thể tạo được trong những trường hợp sau:

-- Khi tiếp xúc với cảnh thiên nhiên khắc nghiệt như: khí hậu lạnh lẽo quá, nóng bức quá, muỗi mòng cắn khó chịu quá, rắn rít cắn đau đớn quá v.v… mà vẫn chấp nhận chịu đựng, không hề có thái độ sân hận, bực mình, khó chịu, vẫn giữ vững thiện tâm trong sạch một cách tự nhiên, không bị dao động bởi những đối tượng làm cho bất bình ấy. Đó gọi là đức tính nhẫn nại.

-- Khi tiếp xúc với người ác nghiệt như: chửi rủa, mắng nhiếc thậm tệ, vu oan giá hoạ tày trời, đánh đập tàn nhẫn, v.v… mà vẫn chấp nhận chịu đựng, không hề có thái độ sân hận, tức giận người ấy, vẫn giữ vững thiện tâm trong sạch một cách tự nhiên, không bị dao động bởi những đối tượng làm cho bất bình ấy. Đó gọi là đức tính nhẫn nại.

Như vậy, pháp hạnh nhẫn nại không phải tạo được bất cứ lúc nào, bất cứ đối tượng nào, mà chỉ có thể tạo được khi tiếp xúc với đối tượng làm cho bất bình, nghịch cảnh, nghịch duyên mà thôi. Những đối tượng làm cho bất bình ấy dễ phát sanh tâm sân hận; nhưng người có phát nguyện hành pháp hạnh nhẫn nại, đó là cơ hội tốt đối với họ, thay vì tâm sân hận thì tâm vô sân phát sanh, tạo được pháp hạnh nhẫn nại trở thành một đức tính nhẫn nại cao thượng.

Do đó, đức hạnh nhẫn nại là một thiện pháp rất đặc biệt hơn các thiện pháp khác. Các thiện pháp khác như: bố thí, giữ giới, hành thiền… người ta có thể tạo bất cứ lúc nào mình muốn, bất cứ đối tượng nào mình chọn; nhưng đối tượng làm cho bất bình, nghịch cảnh, nghịch duyên này chỉ xảy ra một cách tự nhiên, người có đức tính nhẫn nại tiếp xúc với đối tượng làm cho bất bình ấy vẫn giữ vững thiện tâm trong sạch, mọi thiện pháp được phát triển tốt. Cho nên, đức tính nhẫn nại có một vai trò rất quan trọng, hỗ trợ cho mọi thiện pháp được phát sanh và tăng trưởng, đem lại sự lợi ích cả cho mình lẫn cho người.

Trong đời này, người không có đức tính nhẫn nại, thật khó mà tiến hoá trong mọi thiện pháp, dễ gây ra sự tai hại, điều bất lợi cho mình và người. Cho nên, Đức Phật khuyên dạy chư Tỳ khưu khi đi truyền bá chánh pháp rằng:

"Khanṭī paramaṃ ṭapo ṭiṭikkhā…". (Bộ Dhammapadaṭṭhakaṭhā bài kệ thứ 184.)
(Này các con, pháp hạnh nhẫn nại là đức tính cao thượng nhất).

Vậy nên hiểu sự tai hại của pháp không nhẫn nại và quả báu lợi ích của pháp hạnh nhẫn nại.

Trong Chi bộ kinh, kinh Akkhanṭisuṭṭa (Aṅguṭṭaranikāya, Pañcakanipāṭa, kinh Akkhanṭisuṭṭa), Đức Phật dạy rằng:

-- Này chư Tỳ khưu, 5 điều tai hại đối với người không có pháp hạnh nhẫn nại là:

1-Người không có pháp hạnh nhẫn nại là người không được phần đông yêu mến, không hài lòng.
2- Là người gây nhiều oan trái với người khác.
3- Là người tạo nên nhiều tội ác.
4- Là người mê muội lúc lâm chung.
5- Sau khi chết, do ác nghiệp cho quả tái sanh cõi ác giới, điạ ngục, atula, ngạ quỷ, súc sanh.

-- Này chư Tỳ khưu, 5 quả báu lợi ích của người có pháp hạnh nhẫn nại là:

1- Người có pháp hạnh nhẫn nại là người được phần đông yêu mến, hài lòng.
2- Là người không gây oan trái với người khác.
3- Là người không tạo nên tội ác, tạo phước thiện.
4- Là người không mê muội, có tâm sáng suốt, minh mẫn lúc lâm chung.
5- Sau khi chết, do thiện nghiệp cho quả tái sanh cõi thiện giới, cõi trời….

-- Này chư Tỳ khưu, đó là 5 quả báu lợi ích của người có pháp hạnh nhẫn nại.

Và trong bài kinh khác, Đức Phật dạy:

-- Này chư Tỳ khưu, 5 điều tai hại đối với người không có pháp hạnh nhẫn nại là:

1- Người không có pháp hạnh nhẫn nại là người không được phần đông yêu mến, không hài lòng.
2- Là người có tâm tàn nhẫn với người khác.
3- Là người hay tức giận, nóng nảy.
4- Là người mê muội lúc lâm chung.
5- Sau khi chết, do ác nghiệp cho quả tái sanh vào cõi ác giới, điạ ngục, atula, ngạ quỷ, súc sanh….

Đó là 5 điều tai hại đối với người không có pháp hạnh nhẫn nại.

-- Này chư Tỳ khưu, 5 quả báu lợi ích của người có pháp hạnh nhẫn nại là:

1- Người có pháp hạnh nhẫn nại là người được phần đông yêu mến, hài lòng.
2- Là người không có tâm tàn nhẫn, có tâm từ thương yêu mọi chúng sinh.
3- Là người không tức giận, không nóng nảy, có tâm từ mát mẻ.
4- Là người không mê muội, có tâm sáng suốt, minh mẫn lúc lâm chung.
5- Sau khi chết, do thiện nghiệp cho quả tái sanh cõi thiện giới, cõi trời….

-- Này chư Tỳ khưu, đó là 5 quả báu lợi ích của người có pháp hạnh nhẫn nại.

Pháp hạnh Nhẫn nại Ba la mật

Đức tính nhẫn nại là một trong mười pháp hạnh ba la mật mà chư Bồ Tát cần phải thực hành để trở thành Đức Phật Toàn Giác hoặc Đức Phật Độc Giác hoặc bậc Thánh Thanh Văn Giác tùy theo sở nguyện của mình.

TÍCH ĐẠO SĨ KHANTIVĀDĪ

Đạo sĩ Khanṭivādī là Đức Bồ Tát tiền thân của Đức Phật Gotama, thực hành pháp hạnh nhẫn nại ba la mật trong tích tiền thân Khanṭivādījāṭaka (Khud. Bộ Jāṭaka, phần Caṭukanipāṭa, tích Khanṭivādī jāṭaka) được tóm lược như sau:

Một thuở nọ, Đức Thế Tôn ngự tại chùa Jeṭavana thuyết giảng về tiền thân của Ngài là một đạo sĩ tên Khanṭivādī, thực hành pháp hạnh nhẫn nại ba la mật. Trong quá khứ, Đức Bồ Tát sanh trưởng trong gia đình Bà la môn phú hộ tại kinh thành Bārāṇasi, tên Ngài là Kuṇṇala. Khi trưởng thành, Đức Bồ Tát được gởi đến kinh thành Takkasila để học các bộ môn theo truyền thống Bà la môn, tốt nghiệp xong trở về kinh thành Bārāṇasi. Thời gian sau, cha mẹ của Ngài qua đời, để lại toàn bộ gia sản cho Ngài.

Một hôm, Ngài suy tư rằng: "Ông bà, cha mẹ đã tích lũy của cải, tài sản nhiều như thế này, nhưng khi từ giã cõi đời, chẳng ai mang theo được một thứ nào cả, đến phiên ta cũng như vậy thôi! Ta nên đem tất cả của cải, tài sản này làm phước bố thí đến những người nghèo khổ, rồi ta sẽ bỏ nhà, đi vào rừng núi Himavanṭa xuất gia trở thành đạo sĩ, sống bằng hoa quả…".

Thực hiện theo ý nguyện, Đức Bồ Tát xuất gia trở thành đạo sĩ sống trong rừng núi Himavanṭa một thời gian khá lâu. Để thay đổi món vật thực, Ngài ra khỏi khu rừng núi Himavanṭa, đến kinh thành Bārāṇasi, trú tại vườn thượng uyển của Đức vua Kalābu (Bộ Jāṭaka nước Thái Lan gọi Kalāpu). Hằng ngày Ngài đi khất thực đến từng nhà, vị quan thừa tướng của Đức vua Kalābu nhìn thấy Đức Bồ Tát phát sanh đức tin trong sạch, xin hộ độ cúng dường vật thực đến Ngài.

Một hôm, Đức vua Kalābu cùng với nhóm cung nữ đờn ca múa hát, du lãm đến vườn thượng uyển. Đức vua dùng rượu say nằm ngủ trên tảng đá, gối đầu trên đùi của một nàng cung nữ xinh đẹp. Nhóm cung nữ thấy Đức vua ngủ say, nên ngưng đờn ca múa hát và cùng nhau đi dạo chơi trong vườn thượng uyển, gặp Đức Bồ Tát đang ngồi dưới gốc cây, họ kéo nhau đến đảnh lễ Ngài, thỉnh Ngài thuyết pháp, rồi cùng nhau chăm chú ngồi lắng nghe pháp.

Đức vua Kalābu vừa tỉnh ngủ, nhưng vẫn còn say, không nhìn thấy nhóm cung nữ bèn hỏi:

-- Các cung nữ đi đâu cả rồi?

Nàng cung nữ ngồi tại đó tâu:

-- Tâu Bệ hạ, các cô ấy dẫn nhau đến chỗ vị đạo sĩ, đang ngồi lắng nghe pháp nơi cội cây đằng kia.

Đức vua nổi cơn thịnh nộ, vội vàng cầm thanh gươm đến định giết vị đạo sĩ, nhóm cung nữ nhìn thấy Đức vua giận dữ, tay cầm thanh gươm hằn học bước đến, một nàng cung nữ lanh trí chạy đến đón Đức vua, cướp lấy thanh gươm, tìm cách làm cho Đức vua nguôi bớt cơn thịnh nộ.

Đức vua bèn hỏi Đức Bồ Tát rằng:

-- Sa môn, ngươi thuyết pháp gì?

-- Tâu Đại vương, bần đạo thuyết giảng pháp hạnh nhẫn nại.-Đức Bồ Tát tâu.

-- Pháp hạnh nhẫn nại là thế nào?-Đức vua hỏi.

Đức Bồ Tát từ tốn tâu rằng:

-- Tâu Đại vương, pháp hạnh nhẫn nại là pháp vô sân, không tức giận người chửi rủa, mắng nhiếc mình, đánh đập làm khổ mình.

Đức vua nổi giận quát tháo rằng:

-- Được rồi! Bây giờ ta sẽ thấy pháp hạnh nhẫn nại của ngươi.

Đức vua liền truyền lệnh gọi tên đao phủ đến ngay. Tên đao phủ mang mã tấu, roi gai đến trình diện Đức vua tâu rằng:

-- Tâu Bệ hạ, hạ thần phải làm gì?

Đức vua truyền lệnh tên đao phủ xô Đức Bồ Tát nằm xuống đất, dùng roi gai đánh trước ngực, sau lưng, hai bên hông tất cả hai ngàn (2.000) roi.

Tên đao phủ tuân theo lệnh của Đức vua, đánh Đức Bồ Tát làm rách da, nát thịt, máu chảy ra dầm dề.

Đức vua hỏi lại một lần nữa:

-- Sa môn, ngươi có pháp gì?

Đức Bồ Tát tâu rằng:

-- Tâu Đại vương, bần đạo có pháp hạnh nhẫn nại, Đại vương tưởng rằng pháp hạnh nhẫn nại của bần đạo ở nơi da thịt hay sao! Pháp hạnh nhẫn nại không có trên da thịt, Đại vương không thể nhìn thấy pháp hạnh nhẫn nại được đâu.

Tâu Đại vương, pháp hạnh nhẫn nại của bần đạo an trú trong tâm.

Đức vua càng tức giận truyền lệnh tên đao phủ lấy mã tấu chặt hai tay, hai chân của Đức Bồ Tát, máu phun ra từ cánh tay, hai ống chân bị đứt.

Đức vua bèn hỏi lại:

-- Sa môn, ngươi có pháp gì?

Đức Bồ Tát vẫn điềm nhiên tâu rằng:

-- Tâu Đại vương, bần đạo có pháp hạnh nhẫn nại, Đại vương tưởng rằng pháp hạnh nhẫn nại của bần đạo ở hai tay, hai chân hay sao. Pháp hạnh nhẫn nại không có nơi hai tay, hai chân, Đại vương không thể nhìn thấy pháp hạnh nhẫn nại được đâu.

Tâu Đại vương, pháp hạnh nhẫn nại của bần đạo an trú sâu thẳm trong tâm.

Đức vua càng thêm tức giận điên cuồng truyền lệnh tên đao phủ cắt hai lỗ tai, lỗ mũi, toàn thân máu chảy ướt dầm dề.

Đức vua hỏi lại:

-- Sa môn, ngươi có pháp gì?

Đức Bồ Tát có thiện tâm trong sáng với vô sân tâm sở vững chắc, từ tốn tâu rằng:

-- Tâu Đại vương, bần đạo có pháp hạnh nhẫn nại, Đại vương tưởng rằng pháp hạnh nhẫn nại của bần đạo ở nơi hai tai, lỗ mũi hay sao! Pháp hạnh nhẫn nại không có nơi hai tai, lỗ mũi, Đại vương không thể nhìn thấy pháp hạnh nhẫn nại được đâu.

Tâu Đại vương, pháp hạnh nhẫn nại của bần đạo an trú sâu thẳm ở trong tâm.

Đức vua vô cùng thịnh nộ, điên cuồng quát tháo rằng:

-- Này tên Sa môn ương ngạnh, ngươi nằm ở đây mà gìn giữ pháp hạnh nhẫn nại của ngươi.

Đức vua lấy chân đạp mạnh vào ngực của Đức Bồ Tát rồi bỏ đi.

Khi Đức vua Kalābu đi khỏi nơi ấy, vị quan thừa tướng cảm thấy vô cùng thương xót Đức Bồ Tát, lấy khăn lau máu toàn thân, nhặt hai tay, hai chân, hai lỗ tai và mũi bỏ vào trong bao rồi đỡ Đức Bồ Tát ngồi dậy, đảnh lễ Đức Bồ Tát bèn bạch rằng:

-- Kính bạch Ngài đạo sĩ cao thượng! Nếu Ngài tức giận, thì chỉ tức giận một mình Đức vua làm khổ Ngài mà thôi, cúi xin Ngài có tâm bi thương xót, không giận dân chúng trong xứ sở này, để cho xứ sở này tránh nạn diệt vong.

Đức Bồ Tát an nhiên tự tại dạy rằng:

"Yo me haṭṭhe ca pāde ca.
Kaṇṇa-nāsañca chedayi
Ciraṃ jīvaṭu so rājā
Na hi kujjhanṭi mādisā".

(Này vị quan thừa tướng!
Đức vua nào truyền lệnh,
Chặt hai tay, hai chân,
Cắt hai tai và mũi,
Cầu mong Đức vua ấy
Có tuổi thọ sống lâu,
Bậc trí như bần đạo,
Chẳng hề có tức giận).

Đức vua Kalābu ngự ra đến cổng vườn thượng uyển, nơi khuất mắt Đức Bồ Tát, bỗng mặt đất rung động nứt nẻ, từ dưới khe nứt phun lên một ngọn lửa thiêu hủy xác ông rút sâu tận lòng đất. Sau khi chết, do ác nghiệp tàn nhẫn làm hại Đức Bồ Tát, cho quả sa đoạ vào cõi ác giới, đại địa ngục Avīci, chịu quả khổ do ác nghiệp của mình đã tạo.

Còn Đức Bồ Tát bị thương tích nặng, cũng qua đời ngay ngày hôm ấy. Sau khi qua đời, do thiện nghiệp cho quả tái sanh cõi thiên giới, hưởng mọi sự an lạc nơi cõi ấy.

Toàn thể dân chúng trong kinh thành Bārāṇasi vô cùng tôn kính Đức Bồ Tát, mang hoa, vật thơm, v.v… đến cúng dường thi thể Đức Bồ Tát rồi đem đi hoả táng.

Những nhân vật trong tích Đức Bồ Tát Khanṭivādī, tiền thân của Đức Phật Goṭama, liên quan đến hậu thân trong kiếp hiện tại là:

-- Đức vua Kalābu: kiếp hiện tại là Tỳ khưu Devadaṭṭa.
-- Vị quan thừa tướng: kiếp hiện tại là Ngài Đại Đức Sāripuṭṭa.
-- Đức Bồ Tát Khanṭivādī: kiếp hiện tại là Đức Phật Goṭama.

(Xong tích tiền thân Khanṭivādī).

Đức tính nhẫn nại đó là vô sân tâm sở đồng sanh trong đại thiện tâm, khi tiếp xúc với đối tượng làm cho bất bình, nghịch cảnh, nghịch duyên. Cho nên, đối tượng xấu hoặc tốt không quan trọng, mà điều quan trọng là tâm hiểu biết khi tiếp xúc đối tượng ấy, làm cho phát sanh đại thiện tâm hoặc bất thiện tâm (ác tâm).

Ví dụ:

-- Đức Phật là một đối tượng tốt, hoàn hảo: Đối với hàng Phật tử chiêm ngưỡng Đức Phật, phát sanh đại thiện tâm, có đức tin trong sạch tăng trưởng mọi thiện pháp. Nhưng đối với hàng ngoại đạo nhìn thấy Đức Phật, phát sanh bất thiện tâm (ác tâm), bởi vì họ nghĩ rằng: "Do Sa môn Goṭama này làm cho chúng ta mất nhiều lợi lộc, mất nhiều sự lễ bái cúng dường".

-- Tử thi là một đối tượng xấu: Đối với hành giả tiến hành thiền định, tử thi là đề mục thiền định, mà họ có thể chứng đắc đệ nhất thiền sắc giới, và đối với hành giả tiến hành thiền tuệ có thể chứng đắc Thánh Đạo-Thánh Quả và Niết Bàn. Nhưng đối với số người có tánh hay sợ khi gặp tử thi trong rừng, nơi thanh vắng, thì tâm sân phát sanh hoảng sợ đến mất trí.

Quan niệm về đối tượng rất quan trọng làm cho phát sanh thiện tâm hoặc ác tâm.

TÍCH ĐẠI ĐỨC PUṆṆA

Trong kinh Puṇṇovādasuṭṭa (Majjhimanikāya, Uparipannāsa, kinh Puṇṇovādasuṭṭa) được tóm lược như sau:

Đại Đức Puṇṇa nguyên là một lái buôn vùng Sunāparanṭa chuyên chở hàng hoá bằng xe đến kinh thành Sāvaṭṭhi để buôn bán. Một hôm, người lái buôn đến nghe Đức Phật thuyết pháp tại ngôi chùa Jeṭavana, phát sanh đức tin trong sạch nơi Đức Phật, Đức Pháp, Đức Tăng, xin Đức Phật cho phép xuất gia trở thành Tỳ khưu.

Sau khi trở thành Tỳ khưu, ở tại kinh thành Sāvaṭṭhi một thời gian, Ngài muốn xin Đức Phật cho phép đi đến vùng Sunāparanṭa, nên Ngài đến hầu đảnh lễ Đức Thế Tôn xin được nghe pháp, Đức Thế Tôn thuyết pháp tế độ Ngài xong, bèn hỏi rằng:

-- Này Puṇṇa, con sẽ đi ở nơi nào?

Đại Đức Puṇṇa bạch đúng theo ý nguyện của mình.

-- Kính bạch Đức Thế Tôn, con xin Ngài cho phép con đi đến ở vùng Sunāparanṭa.

-- Này Puṇṇa, dân chúng vùng Sunāparanṭa hung dữ, tàn nhẫn lắm.

1- Này Puṇṇa, nếu dân chúng vùng Sunāparanṭa chửi mắng, hăm doạ con, thì con nghĩ thế nào về điều ấy?

-- Kính bạch Đức Thế Tôn, nếu dân chúng vùng Sunāparanṭa chửi mắng, hăm doạ con, thì con nghĩ về điều ấy rằng: "Dân chúng Sunāparanṭa tốt lắm! Dân chúng Sunāparanṭa còn đối xử tử tế với con lắm! Bởi vì họ không đánh con bằng tay".

Kính bạch Đức Thế Tôn, về điều ấy, con nghĩ như vậy.

2- Này Puṇṇa, nếu dân chúng vùng Sunāparanṭa đánh con bằng tay, thì con nghĩ thế nào về điều ấy?

-- Kính bạch Đức Thế Tôn, nếu dân chúng vùng Sunāparanṭa đánh con bằng tay, thì con sẽ nghĩ về điều ấy rằng: "Dân chúng vùng Sunāparanṭa tốt lắm! Dân chúng vùng Sunāparanṭa còn đối xử tử tế với con lắm! Bởi vì họ không ném đá vào con".

Kính bạch Đức Thế Tôn, về điều ấy, con nghĩ như vậy.

3- Này Puṇṇa, nếu dân chúng vùng Sunāparanṭa ném đá vào con, thì con nghĩ thế nào về điều ấy?

-- Kính bạch Đức Thế Tôn, nếu dân chúng vùng Sunāparanṭa ném đá vào con, thì con nghĩ về điều ấy rằng: "Dân chúng vùng Sunāparanṭa tốt lắm! Dân chúng vùng Sunāparanṭa còn đôi xử tử tế với con lắm! Bởi vì họ không đánh con bằng gậy gộc".

Kính bạch Đức Thế Tôn, về điều ấy, con nghĩ như vậy.

4- Này Puṇṇa, nếu dân chúng vùng Sunāparanṭa đánh con bằng gậy gộc, thì con nghĩ thế nào về điều ấy?

-- Kính bạch Đức Thế Tôn, nếu dân chúng vùng Sunāparanṭa đánh con bằng gậy gộc, thì con nghĩ về điều ấy rằng: "Dân chúng vùng Sunāparanṭa tốt lắm! Dân chúng vùng Sunāparanṭa còn đối xử tử tế với con lắm! Bởi vì họ không đâm chém con bằng khí giới".

Kính bạch Đức Thế Tôn, về điều ấy, con nghĩ như vậy.

5- Này Puṇṇa, nếu dân chúng vùng Sunāparanṭa đâm chém con bằng khí giới, thì con nghĩ thế nào về điều ấy?

-- Kính bạch Đức Thế Tôn, nếu dân chúng vùng Sunāparanṭa đâm chém con bằng khí giới, thì con nghĩ về điều ấy rằng: "Dân chúng vùng Sunāparanṭa tốt lắm! Dân chúng vùng Sunāparanṭa còn đối xử tử tế với con lắm! Bởi vì họ không giết chết con bằng khí giới sắc bén".

Kính bạch Đức Thế Tôn, về điều ấy con sẽ nghĩ như vậy.

6- Này Puṇṇa, nếu dân chúng vùng Sunāparanṭa giết chết con bằng khí giới sắc bén, thì con nghĩ thế nào về điều ấy?

-- Kính bạch Đức Thế Tôn, nếu dân chúng vùng Sunāparanṭa giết chết con bằng khí giới sắc bén, thì con nghĩ về điều ấy rằng: "Thanh Văn đệ tử của Đức Phật nhàm chán sắc thân ô trọc, mạng sống khổ đau này, nên tìm khí giới huỷ hoại sanh mạng, còn con không cần phải đi tìm khí giới, mà có người đến huỷ hoại sanh mạng của con rồi".

Kính bạch Đức Thế Tôn, về điều ấy, con nghĩ như vậy.

Nghe vậy, Đức Thế Tôn ca tụng Ngài Puṇṇa bằng lời:

-- Sādhu! Sadhu! Lành thay! Lành thay. Con có đức tính nhẫn nại, tâm vô sân dập tắt mọi ác pháp. Này Puṇṇa, con có thể đi đến ở vùng Sunāparanṭa được.

Được Đức Phật cho phép, Ngài Puṇṇa lên đường đi đến vùng Sunāparanṭa ở hành đạo, Ngài tiến hành thiền tuệ chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn, trở thành bậc Thánh A-ra-hán, tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt tử sanh luân hồi trong ba giới bốn loài.

Qua tích Đại Đức Puṇṇa có đức tính nhẫn nại, nên dù bất cứ đối tượng xấu nào, nghịch cảnh, nghịch duyên nào, Ngài vẫn giữ vững đại thiện tâm trong sạch, có vô sân tâm sở hỗ trợ, giữ gìn sự lợi ích, sự tiến hoá, sự an lạc cho mình.

Trong đời, người ta đối xử tốt hoặc xấu với mình như thế nào, là quyền của người ta; còn ta nên có đức tính nhẫn nại, có trí tuệ sáng suốt, chọn lựa tạo thiện nghiệp mà tránh ác nghiệp, để cho đại thiện tâm phát sanh, đồng thời làm cho ác tâm bị diệt, đó chính là quyền của mình. Như vậy, ta giữ gìn được sự lợi ích, sự tiến hoá trong mọi thiện pháp, sự an lạc lâu dài.

Đức tính nhẫn nại không gây oan trái

Oan trái là một điều đáng kinh sợ trong vòng tử sanh luân hồi của mỗi chúng sinh.

Sự oan trái lẫn nhau giữa đôi bên: Người này gây oan trái với người kia và ngược lại, người kia gây oan trái với người này; người này trả thù người kia, rồi người kia trả thù lại người này. Cứ như thế, sự oan trái lẫn nhau từ đời này sang kiếp khác, mỗi khi gặp lại nhau, nối tiếp kéo dài đến vô chung.

Sự oan trái một bên: Như trường hợp những tiền thân của Tỳ khưu Devadaṭṭa gây oan trái với những tiền thân của Đức Phật, qua nhiều đời nhiều kiếp. Cho đến kiếp chót của Đức Phật, Tỳ khưu Devadaṭṭa vẫn tìm mọi cách để sát hại Đức Phật; nhưng điều ấy không bao giờ có thể xảy ra, bởi vì không có một ai có thể sát hại Đức Phật được; chắc chắn Đức Phật tịch diệt Niết Bàn theo hết tuổi thọ của Ngài.

Chúng sinh thấy rõ sự oan trái là điều đáng kinh sợ trong vòng tử sanh luân hồi của mình, cho nên không còn muốn gây oan trái với nhau, đó là điều tốt hơn hết. Người có đức tính nhẫn nại là người không gây oan trái với tất cả chúng sinh. Nếu người khác gây oan trái với ta, thì ta làm thế nào để giải oan trái?

Trong tích Kāḷayakkhinīvaṭṭhu Đức Phật thuyết dạy bài kệ rằng:

"Na hi verena verāni,
Sammaṭīdha kudācanaṃ.
Averena ca sammaṭi,
Esa dhammo sananṭano".

(Dhammpadaṭṭhakaṭhā, kệ thứ 5, tích Kāḷayakkhinīvaṭṭhu)

(Sự thật trong đời này,
Chẳng bao giờ oan trái,
Dập tắt bằng oan trái.
Oan trái dập tắt được,
Bằng sự không oan trái,
Đây thật sự là pháp,
Bậc trí tự ngàn xưa).

Thật vậy, những đồ dơ bẩn không thể rửa sạch bằng thứ nước dơ bẩn, mà chỉ có thể rửa sạch bằng thứ nước trong sạch mà thôi. Cũng như vậy, người ác này chửi rủa, mắng nhiếc, hăm doạ, đánh đập người kia… đã gây oan trái với người kia; nếu người kia lại chửi rủa, mắng nhiếc, hăm doạ, đánh đập trả đũa lại người ác này một cách tàn nhẫn hơn, hòng dập tắt oan trái, thì chẳng những không dập tắt được oan trái, mà còn gây thêm sự oan trái lâu dài, càng chồng chất thêm nhiều nữa.

Sự thật, oan trái không bao giời dập tắt được bằng sự oan trái. Bậc Thiện trí có đức tính nhẫn nại, có tâm từ, tâm không oan trái với tất cả chúng sinh, mới có thể dập tắt được sự oan trái.

Thắng rồi không bại

Trong đời này, người chiến thắng thường gây oan trái; còn kẻ chiến bại lại ngủ không yên giấc, bởi vì mưu tính việc trả thù. Cho nên, thường xảy ra thắng rồi lại bại, hoặc bại rồi lại thắng. Đó là do không có đức tính nhẫn nại.

Làm thế nào để thắng rồi không bị bại trở lại?

Bậc Thiện trí tự thắng phiền não trong tâm của mình rồi, không bị bại trở lại, đó mới thật là chiến thắng vinh quang nhất.

Tự thắng phiền não: tham, sân, si… trong tâm của mình, như Đức Phật dạy cận sự nữ Uṭṭarā bằng bài kệ rằng:

"Akkodhena jine kodhaṃ,
Asādhuṃ sādhunā jine.
Jine kadariyaṃ dānena,
Sacce nāli kavādinaṃ".
(Bộ Dhammapadaṭṭkaṭhà, bài kệ số 223, tích Uṭṭarā upāsikāvaṭṭhu)

(Này, con Uṭ-ṭa-rā!
Thắng được người sân hận,
Bằng tâm không sân hận.
Thắng được người độc ác,
Bằng thiện pháp cao thượng.
Thắng được người keo kiệt,
Bằng phước thiện bố thí.
Thắng được người nói dối,
Bằng lời nói chân thật).
Đó là cách thắng rồi không bị bại trở lại.

Pháp không nhẫn nại, pháp nhẫn nại thuộc loại tâm nào?

Pháp không nhẫn nại (akkhanti) thuộc về loại sân tâm sở (adosacetasika) đồng sanh trong sân tâm, thuộc loại ác tâm, có trạng thái nóng nảy, khổ tâm.

1) Pháp không nhẫn nại: thuộc về loại sân tâm sở (dosacetasika).

Sân tâm sở đồng sanh trong tâm sân, thuộc loại ác tâm, có trạng thái sân hận, nóng nảy, tự làm khổ mình. Nếu tâm sân có năng lực, thì có thể làm hại đối tượng là người hoặc vật không hài lòng.

Sân tâm sở có 4 tính chất là:

1-Có trạng thái thô bạo với đối tượng.
2- Có phân sự làm cho tâm của mình nóng nảy, làm khổ mình và làm khổ người khác.
3- Làm hại đối tượng là quả.
4- Có 10 điều thù oán là nguyên nhân gần, để phát sanh sân tâm sở đồng sanh với sân tâm.

Tâm sân phát sanh do nguyên nhân thù oán, có 10 điều là:

1- Thù oán do nghĩ rằng: người này đã từng làm hại ta.
2- Thù oán do nghĩ rằng: người này đang làm hại ta.
3- Thù oán do nghĩ rằng: người này sẽ làm hại ta.
4- Thù oán do nghĩ rằng: người này đã từng làm hại người thân của ta.
5- Thù oán do nghĩ rằng: người này đang làm hại người thân của ta.
6- Thù oán do nghĩ rằng: người này sẽ làm hại người thân của ta.
7- Thù oán do nghĩ rằng: người này đã từng giúp đỡ kẻ thù của ta.
8- Thù oán do nghĩ rằng: người này đang giúp đỡ kẻ thù của ta.
9- Thù oán do nghĩ rằng: người này sẽ giúp đỡ kẻ thù của ta.
10- Tức giận trong những trường hợp bất trắc: đi đạp nhằm vỏ chuối trượt té, đi vấp cục đá té đau, v.v….

Đó là những nguyên nhân gần làm cho tâm sân phát sanh, làm khổ mình và có thể làm khổ đến người khác. Tuy nhiên, xét về những nguyên nhân xa từ quá khứ làm nhân phát sanh sân tâm, có 5 chi pháp:

1- Người có tính hay sân hận, bực tức.
2- Suy nghĩ nông cạn.
3- Người thất học, ít hiểu biết về thiện pháp, ác pháp.
4- Gặp phải đối tượng không hài lòng.
5- Gặp phải điều thù oán (trong 10 điều thù oán).

Đó là những nguyên nhân gần, nguyên nhân xa dễ phát sanh sân tâm.

Người nào thường phát sanh tâm sân, người ấy rất khổ tâm, tâm bực tức, nóng nảy, làm cho bộ mặt dữ tợn, trông đáng ghê tởm, đáng sợ, và còn làm cho những người gần gũi phải bị liên lụy. Nếu tâm sân đến mức nóng nảy, điên cuồng, thì có thể làm hại đến đối tượng vật hoặc người không hài lòng ấy, gây ra những thiệt hại hoặc tội ác. Tâm sân thường phát sanh đến người nào, người ấy tâm cảm thấy nóng nảy, sắc thân bị thiêu đốt làm cho mau già, da dẻ sần sùi, khô khan, thân hình xấu xí, dễ sanh bệnh hoạn. Khi người khác gần gũi với người hay sân ấy, cảm thấy nóng nảy, khó chịu, muốn xa lánh.

Người nào tạo ác nghiệp do năng lực của tâm sân, người ấy sau khi chết, do ác nghiệp ấy cho quả bị sa đoạ trong cõi điạ ngục, chịu khổ do ác nghiệp của mình đã tạo; đến khi mãn nghiệp ở địa ngục, do thiện nghiệp nào khác cho quả nếu được tái sanh làm người, thì người ấy sẽ là người có thân hình xấu xí, trông đáng ghê tởm, bởi ác nghiệp do sân tâm, không nhẫn nại ấy còn dư sót, cho quả sau khi đã tái sanh, ít người muốn gần gũi, thân thiện với người ấy.

* Nhân sanh sân tâm

Tâm sân phát sanh do 2 nhân duyên:

-- Ayonisomanasikāra: si mê không hiểu rõ biết rõ thực tánh của danh pháp, sắc pháp, không hài lòng nơi đối tượng.
-- Pa.ṭighanimiṭṭa: đối tượng thù nghịch làm phát sanh sân tâm.

* Nhân diệt sân tâm

Tâm sân bị diệt do 2 nguyên nhân là:

-- Yonisomanasikāra: trí tuệ hiểu biết rõ thực tánh của danh pháp, sắc pháp trong tam giới, hoặc biết rõ đối tượng chúng sinh đáng thương yêu.

-- Meṭṭaceṭovimuṭṭa: tiến hành thiền định, niệm rải tâm từ đến tất cả chúng sinh, không phân biệt bạn với kẻ thù, để chứng đắc đến cận định và các bậc thiền sắc giới (trừ bậc đệ ngũ thiền sắc giới).

* Các pháp để diệt sân tâm

Sáu pháp để diệt sân tâm:

1- Học hiểu rõ đề mục niệm rải tâm từ cho mình và đến tất cả chúng sinh, không phân biệt bạn và kẻ thù. Đó là pháp có thể diệt được sân tâm.

2- Tiến hành thiền định đề mục niệm rải tâm từ cho mình và đến tất cả chúng sinh, không phân biệt bạn và kẻ thù. Đó là pháp có thể diệt được sân tâm

3- Quán xét mọi chúng sinh có nghiệp là của riêng mình. Hành giả tự dạy mình rằng: Ta thù hận người ấy, ta có thể phá hoại được mọi thiện pháp của người ấy được hay không? Hay ta chỉ phá hoại mọi thiện pháp của ta mà thôi. Người nào có tâm sân hận phát sanh, giận dữ người khác; người ấy tự làm khổ cả tâm lẫn thân của mình trước, rồi mới làm khổ đến người khác sau; chỉ có thể làm khổ thân người khác, còn có làm khổ tâm người khác được hay không, hoàn toàn tuỳ thuộc vào sự hiểu biết của họ. Đó là pháp có thể diệt được sân tâm.

4- Biết quán xét về nghiệp rằng: Người nào tạo thiện nghiệp hoặc ác nghiệp, người ấy sẽ thọ hưởng quả của thiện nghiệp hoặc ác nghiệp; nếu ta tạo ác nghiệp, thì ta phải chịu quả khổ của ác nghiệp ấy. Đó là pháp có thể diệt được sân tâm.

5- Gần gũi, thân cận với các bậc thầy khả kính để nương nhờ, học hỏi về pháp hành thiền định, đề mục niệm rải tâm từ. Đó là pháp có thể diệt được sân tâm.

6- Lời nói thuận lợi: nói về pháp hành, đề mục niệm rải tâm từ, quả báu của pháp hành niệm rải tâm từ. Đó là pháp có thể diệt được sân tâm.

* Nhân sanh bất thiện tâm hoặc ác tâm

Bất thiện tâm hoặc ác tâm, đó là tham tâm, sân tâm và si tâm; những bất thiện tâm này phát sanh do 5 nhân duyên:

1- Không tích luỹ được nhiều phước thiện từ kiếp trước.
2- Sanh sống nơi chốn không có bậc Thiện trí.
3- Không được gần gũi, thân cận với bậc Thiện trí.
4- Không được nghe chánh pháp của bậc Thiện trí.
5- Tâm hiểu biết sai lầm, không đúng theo chánh pháp.

Năm nhân duyên này có liên quan với nhau.

Do không tích luỹ được nhiều phước thiện từ nhiều đời, nhiều kiếp trong quá khứ, nên tái sanh ở nơi chốn không có bậc Thiện trí, không được gần gũi, thân cận với bậc Thiện trí, không được nghe chánh pháp của bậc Thiện trí, không hiểu biết rõ thiện pháp, ác pháp, phước thiện, tội ác, v.v… do tâm si mê không hiểu biết đúng theo chánh pháp; cho nên, tâm hiểu biết sai lầm, làm nhân duyên phát sanh mọi bất thiện tâm hoặc ác tâm, tạo nên mọi nghiệp ác, do bởi thân, khẩu, ý tự làm khổ mình, làm khổ người, tự làm khổ cả mình lẫn người, cả trong kiếp hiện tại lẫn nhiều kiếp vị lai.

Xét trong 5 nhân duyên này, nhân duyên thứ nhất thuộc về tiền kiếp quá khứ, còn 4 nhân duyên sau thuộc trong kiếp hiện tại. Nếu người nào biết tìm đến gần gũi, thân cận với bậc Thiện trí, lắng nghe chánh pháp, thì người ấy có thể thay đổi được tâm tính, cải ác tòng thiện, cải tà quy chánh. Kể từ đó, người ấy có thể tiến hoá trong mọi thiện pháp, nâng đỡ họ trở thành con người cao thượng.

2) Pháp nhẫn nại: thuộc về loại vô sân tâm sở.

Vô sân tâm sở (adosacetasika) đồng sanh trong thiện tâm, có trạng thái không sân hận, tâm mát mẻ, không tự làm khổ mình, không làm khổ người và không tự làm khổ cả mình lẫn người.

Vô sân tâm sở có 4 tính chất là:

1- Có trạng thái không bực tức, không nóng giận.
2- Có phận sự diệt tâm sân hận, thù oán.
3- Tâm mát mẻ an lạc là quả.
4- Có trí tuệ hiểu biết đúng thực tánh của các pháp là nguyên nhân gần để phát sanh vô sân tâm sở đồng sanh trong thiện tâm.

Người nào có thiện tâm, có vô sân tâm sở nhiều năng lực, thì thân tâm của người ấy thường được mát mẻ an lạc, giúp giữ gìn duy trì sắc thân được trẻ trung, lâu già, được phần đông mọi người yêu thương, kính mến. Mỗi khi người ta gần gũi, thân cận với người vô sân, nhẫn nại ấy, họ có cảm giác mát mẻ an lạc.

Pháp nhẫn nại là vô sân tâm sở đồng sanh trong thiện tâm, tạo nên thiện nghiệp, có tính chất đặc biệt, sau khi chết, nếu thiện nghiệp ấy cho quả tái sanh làm người, thì người ấy sẽ là người rất xinh đẹp tuyệt vời, đáng chiêm ngưỡng, được phần đông mọi người thương yêu, kính mến, ai ai cũng muốn gần gũi, thân cận với người ấy.

* Nhân sanh thiện tâm

Thiện tâm phát sanh do 5 nhân duyên là:

1- Đã tích luỹ được nhiều phước thiện từ nhiều đời, nhiều kiếp trong quá khứ.
2- Sanh sống nơi chốn có nhiều bậc Thiện trí.
3- Được gần gũi, thân cận với bậc Thiện trí.
4- Được lắng nghe chánh pháp của bậc Thiện trí.
5- Thiện tâm hiểu biết đúng đắn theo chánh pháp.

Năm nhân duyên này có liên quan với nhau.

Do tích luỹ được nhiều phước thiện từ nhiều đời, nhiều kiếp trong quá khứ, nên được tái sanh ở nơi chốn có nhiều bậc Thiện trí, có được cơ hội gần gũi, thân cận với bậc Thiện trí, được lắng nghe chánh pháp của bậc Thiện trí; cho nên, thiện tâm hiểu biết rõ thiện pháp, ác pháp, phước thiện, tội ác, v.v… trí tuệ hiểu biết đúng theo chánh pháp, làm duyên lành phát sanh mọi thiện tâm, tạo mọi thiện nghiệp do thân, khẩu, ý đem lại sự lợi ích cho mình, cho người, cho cả mình lẫn người, cả trong kiếp hiện tại lẫn nhiều kiếp vị lai.

Trong 5 nhân duyên này, nhân duyên thứ nhất thuộc về thiện nghiệp từ những kiếp quá khứ, còn 4 nhân duyên sau thuộc trong kiếp hiện tại.

Lợi ích của sự diệt sân tâm

Đức Thế Tôn ngự tại ngôi chùa Veluvana gần kinh thành Rājagaha, Ngài thuyết bài kinh Dhanañjānīsuṭṭa (Saṃyuṭṭanikāya, Sagāṭhavagga, kinh Dhanañjānīsuṭṭa), có một đoạn nói về Bà la môn Bhāradvāja muốn đến tranh tài, đấu khẩu với Đức Thế Tôn bằng cách đặt một câu hỏi. Ông nghĩ có hai cách trả lời và cách nào cũng đưa Đức Thế Tôn vào thế bí. Nhưng Đức Thế Tôn đã không trả lời theo những cách như ông Bà la môn nghĩ. Ông Bà la môn Bhāradvāja hỏi Đức Thế Tôn bằng bài kệ rằng:

Bạch Sa môn Goṭama! Người diệt được gì rồi?
Nên ngủ được an lạc. Người diệt được gì rồi?
Không còn sầu não nữa. Sa môn Go-ṭa-ma,
Hài lòng diệt pháp gì? Cho là pháp đệ nhất?

Đức Thế Tôn giải đáp rằng:

Này ông Bà la môn,
Người diệt sân tâm rồi, nên ngủ được an lạc.
Diệt được sân tâm rồi, không còn sầu não nữa.
Này ông Bà la môn! Chư bậc Thánh trong đời,
Thường tán dương, ca tụng, diệt sân tâm nóng nảy,
Có tính chất đặc biệt, gốc độc [*], nhưng ngọn ngọt [*].
Người diệt sân tâm rồi, không còn sầu khổ nữa.

[*] Gốc độc (visamūlassa): nghĩa là sân tâm tạo ác nghiệp cho quả khổ ví như chất độc. Ngọn ngọt (madhuraggassa): nghĩa là chửi rủa, mắng nhiếc, đánh đập trả đũa lại người,… trả thù được rồi cảm thấy thoả mãn ví như ngọn có vị ngọt.

Khi Đức Thế Tôn thuyết giảng bài kệ xong, ông Bà la môn bạch rằng:

-- Kính bạch Đức Goṭama, lời dạy của Ngài rõ ràng quá! Kính bạch Đức Goṭama, lời dạy của Ngài rõ ràng quá!

Đức Goṭama thuyết giảng bằng nhiều pháp khác nhau, ví như lật ngửa vật bị che đậy hoặc mở ra vật bị đóng chặt hoặc chỉ đường cho người lạc lối hoặc rọi đèn soi sáng vào nơi tăm tối, để cho người có đôi mắt sáng được nhìn thấy rõ tất cả mọi vật hiện hữu._

-- Con nguyện đem hết lòng thành kính xin quy y, nương nhờ nơi Đức Goṭama, Đức Pháp, Đức Tăng. Kính xin Đức Goṭama cho phép con được xuất gia thọ Sa di, thọ Tỳ khưu nơi Ngài.

Đức Thế Tôn cho phép Bà la môn Bhāradvāja thọ Sa di, thọ Tỳ khưu. Sau khi trở thành Tỳ khưu không lâu, Tỳ khưu Bhāradvāja hoan hỉ sống một mình nơi thanh vắng, không dể duôi, tiến hành thiền tuệ, chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả, trở thành bậc Thánh A-ra-hán, trí tuệ thấy rõ biết rõ đã hoàn thành xong mọi phận sự Tứ thánh đế, đã hoàn thành xong phạm hạnh cao thượng, trí tuệ biết rõ kiếp này là kiếp chót, sẽ tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt tử sanh luân hồi trong ba giới bốn loài.

Không nhận lời chửi mắng

Trong bài kinh Akkosakasuṭṭa (Saṃyuṭṭanikāya, Sagāṭhavagga, kinh Akkosakasuṭṭa) được tóm lược như sau:

Một thuở nọ, Đức Thế Tôn ngự tại ngôi chùa Veluvana gần kinh thành Rājagaha. Khi hay tin người anh là Bhāradvāja đã xuất gia trở thành Tỳ khưu nơi Đức Thế Tôn, ông Bà la môn Akkosaka nổi giận, khổ tâm đến gặp Đức Thế Tôn chửi rủa, mắng nhiếc, hăm doạ Ngài bằng những lời thô tục, không phải lời của bậc Thiện trí.

Ông Bà la môn tạo ác nghiệp bằng khẩu: lời nói thô tục, chửi rủa, mắng nhiếc, hăm doạ.... Nghe vậy, Đức Thế Tôn bèn hỏi ông Bà la môn rằng:

-- Này Bà la môn Akkosaka, ông nghĩ thế nào về điều này, những thân hữu, các quan lại hoặc thân quyến là những người khách, có khi nào họ đến nhà của ông không?

-- Thưa Sa môn Goṭama, những thân hữu, các quan lại hoặc thân quyến là những người khách, có khi họ đến nhà của tôi.

Đức Thế Tôn hỏi tiếp rằng:

-- Này Bà la môn, ông có sửa soạn các món ăn, thức uống để tiếp đãi những người khách là thân hữu, quan lại, hoặc thân quyến của ông hay không?

-- Thưa Sa môn Goṭama, khi ấy tôi sửa soạn các món ăn, thức uống để tiếp đãi những khách quý là thân hữu, quan lại, hoặc thân quyến của tôi.

-- Này ông Bà la môn, nếu những người khách ấy, là thân hữu, quan lại hoặc thân quyến không dùng, thì các món ăn, thức uống ấy sẽ thuộc về ai vậy?

-- Thưa Sa môn Goṭama, nếu những người khách quý là thân hữu, quan lại hoặc thân quyến không dùng thì các món ăn, thức uống ấy chắc chắn sẽ vẫn là của tôi như trước.

-- Này ông Bà la môn, cũng tương tự như vậy, ông chửi rủa, mắng nhiếc, hăm doạ Như Lai, mà Như Lai không chửi rủa, mắng nhiếc, hăm doạ trả lại ông; ông giận Như Lai, mà Như Lai không giận trả lại ông; ông cố tâm chọc tức Như Lai, mà Như Lai không chọc tức trả lại ông. Như Lai hoàn toàn không nhận điều gì (lời chửi mắng…) cuả ông

Này ông Bà la môn, như vậy, những điều ấy (lời chửi mắng…) chỉ thuộc về một mình ông mà thôi.

Này ông Bà la môn, người nào chửi mắng trả lại người đã chửi mắng mình; người nào nổi giận trả lại người đã nổi giận mình; người nào cố tâm chọc tức trả lại người đã chọc tức mình,…. Như Lai gọi người ấy là người cùng chung hưởng với nhau; còn Như Lai không cùng chung hưởng với ông; không cùng ăn thua với ông. Này ông Bà la môn, như vậy, những điều ấy (lời chửi mắng…) chỉ thuộc về một mình ông mà thôi.

Đức Thế Tôn thuyết dạy bài kệ rằng:

Này ông Bà la môn!
Người nào diệt tâm sân, không còn nóng giận nữa,
Sống an nhiên tự tại, giải thoát khỏi khổ tâm,
Vì chứng ngộ chân lý, dập tắt mọi phiền não,
Tâm sân hận từ đâu, mà phát sanh lên được?
Người nào hay nổi giận, trả thù kẻ giận mình,
Người ấy thấp hèn hơn, kẻ giận mình gấp bội.
Người không giận trả đũa, với kẻ đã giận mình,
Gọi là người chiến thắng [*], mà người thường khó thắng.
Người nào biết ai giận, có chánh niệm giữ mình,
Dập tắt mọi phiền não, người ấy gọi là người,
Thực hành pháp nhẫn nại, giữ gìn sự lợi ích,
Cho mình và cho người, cả hai đều cùng lợi.
Người giữ gìn lợi ích, cả cho mình lẫn người.
Những người không trí tuệ, không biết rõ thiện pháp.
Hiểu lầm người ấy rằng: "Một hạng người khờ dại".

[*] Chiến thắng được phiền não của mình

Khi Đức Thế Tôn thuyết dạy xong, Bà la môn Akkosaka thành kính bạch rằng:

-- Kính bạch Đức Goṭama, lời dạy của Ngài rõ ràng quá!

Kính bạch Đức Goṭama, lời dạy của Ngài rõ ràng quá!

Sau khi tán dương, ca tụng Đức Thế Tôn, ông Bà la môn Akkosaka phát sanh đức tin trong sạch, rồi xin quy y nương nhờ nơi Đức Phật, Đức Pháp, Đức Tăng, và kính xin Đức Thế Tôn cho phép ông được xuất gia thọ Sa di, thọ Tỳ khưu nơi Ngài.

Đức Thế Tôn cho phép ông Bà la môn Akkosaka xuất gia trở thành Tỳ khưu, theo như ý nguyện. Sau khi trở thành Tỳ khưu không lâu, Tỳ khưu Akkosaka hoan hỉ sống một mình nơi thanh vắng, không dể duôi, tiến hành thiền tuệ, chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả, trở thành bậc Thánh A-ra-hán cao thượng trong giáo pháp của Đức Phật Goṭama.

(xem tiếp phần 2)

-ooOoo-

Ðầu trang | Phần 1 | Phần 2

Chân thành cám ơn Tỳ kheo Hộ Pháp đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 05-2003).


[Trở về trang Thư Mục]
updated: 01-06-2003