Trang gốc

Trang web BuddhaSasana

VU Times font

 

Saddhammasaṅgaha
Diệu Pháp Yếu Lược

Tác giả nguyên tác Pāḷi: Dhammakitti Mahāsāmi
Bản dịch tiếng Việt: Bhikkhu Indacanda (Trương đình Dũng)

Lưu ý: Ðọc với phông chữ VU Times (Viet-Pali Unicode)


 

MỤC LỤC

  Phần Giới Thiệu
Tài Liệu Tham Khảo
[01] Diệu Pháp Yếu Lược

Cuộc Đại Kết Tập Lần Thứ Nhất
Cuộc Kết Tập Lần Thứ Nhì .
Cuộc Kết Tập Lần Thứ Ba .
Thọ Lãnh Tu Viện Cetiyapabbata
Cuộc Kết Tập Lần Thứ Tư .
Tam Tạng được Ghi Chép thành Sách
Phiên Dịch Chú Giải Tam Tạng
Sớ Giải của Tam Tạng
Tác Phẩm của các vị Trưởng Lão .
Lợi Ích của việc Sao Chép Tam Tạng
Lợi Ích của việc Lắng Nghe Chánh Pháp

Giới Thiệu Tác Giả .
Lời Phát Nguyện

[02] Saddhammasaṅgaho

Paṭhama-mahā-saṅgīti-vaṇṇanā
Dutiya-saṅgīti-vaṇṇanā .
Tatiya-saṅgīti-vaṇṇanā
Cetiyapabbatavihāra-pariggahaṇa-vaṇṇanā .
Catuttha-saṅgīti-vaṇṇanā .
Potthakesu Piṭakattaya-likhita-van-ṇanā
Tepiṭakaṭṭhakathā-parivattana-vaṇṇanā
Piṭakattaya-ṭīkā vaṇṇanā
Sabbappakaraṇa-kata-thera-vaṇṇanā .
Piṭakattaya-lekhanānisaṃsa-vaṇṇanā
Dhamma-savanānisaṃsa-vaṇṇanā
Kattusaṃdassanaṃ .
Patthanā .

-ooOoo-

GIỚI THIỆU TÁC PHẨM

Tác phẩm Saddhammasaṅgaha gồm 11 chương được viết bằng văn xuôi xen lẫn 332 câu kệ (được đánh số và trình bày ở dạng chữ nghiêng); đa số các câu kệ này được trích dẫn từ các tài liệu xưa (porāṇā) như Tipiṭaka (Tam Tạng), Dīpavaṃsa, Mahāvaṃsa, Samantapāsādikā, v.v...

Tác phẩm Saddhammasaṅgaha gồm mười một chương, trong đó ba chương đầu đề cập đến ba lần kết tập Tam Tạng ở Ấn Độ. Chương thứ tư là sự phái các sứ giả đi truyền giáo ở các xứ ngoài biên giới Ấn Độ dưới thời đức vua Asoka (A Dục). Đặc biệt chương thứ năm ghi lại lần kết tập Tam Tạng ở Tích Lan do ngài Mahinda thực hiện dưới triều vua Devanampiyatissa (có thể xem là lần thứ tư của truyền thống Theravāda) và sự thiết lập hội chúng tỳ khưu ni ở xứ này. Kế đến là chương thứ sáu nói về việc ghi chép lại Tam Tạng. Chương thứ bảy đề cập đến nhà chú giải Tam Tạng nổi tiếng Buddhaghosa cùng với các bản chú giải của người. Đồng thời, chương thứ tám và chín nói về việc soạn thảo Sớ Giải (Ṭīkā) dưới thời vua Parākrama Bāhu I, và tên của một số tác phẩm thuộc nền văn học Phật Giáo Theravāda. Hai chương cuối cùng có lẽ là chủ đề của tác giả nói về lợi ích của việc sao chép lời dạy của đức Phật và lợi ích của việc chăm chú lắng nghe Giáo Pháp với nhiều câu chuyện trích dẫn thú vị. Xét về phần nội dung, tài liệu này có giá trị như một sử liệu ghi lại quá trình truyền thừa Giáo Pháp tính từ thời điểm đức Thế Tôn Vô Dư Niết Bàn.

Về phần tác giả, nhờ vào phần giới thiệu ở cuối tác phẩm chúng ta biết được rằng tác giả là một vị xuất gia tên là Dhammakitti Mahāsāmi đã đi đến đảo Laṅkā cùng với người thầy cũng có tên là Dhammakitti và vị ấy đã thọ giới tỳ khưu tại xứ này. Lúc trở về nước, vị ấy đã đến vùng Yodaya và ngụ ở chùa Laṅkārāma do vua Paramarāja xây dựng.

Dr. Malalasekera cho rằng Dhammakitti Mahāsāmi là người Ấn Độ (The Pāli Literature of Ceylon, trang 245). Nhưng trong tác phẩm The Buddhist Annals and Chronicles of South-East Asia, Kanai Lal Hazra đã lập luận để bác bỏ điều trên và cho rằng vị này là người gốc Thái Lan và Yodaya tức là Ayodhya ngày nay (trang 69-71). Thượng tọa Paṇḍit Gammeddegoda Puññasāra người Tích Lan đã trình bày trong bản dịch Saddhammasaṅgaha sang tiếng Tích Lan về nguồn gốc của tác giả như sau: Vị ấy sanh ở Siri Dhammarāja Nagara, xuất thân giai cấp Vệ Xá (Vessa), và đã xuất gia sa di với vị đại trưởng lão Dhammakitti. Theo sự thỉnh mời của vua Tích Lan Parakkamabāhu II (1236-1271), hai thầy trò đã đến Sri Lanka năm 1248. Ở xứ này, người đệ tử đã thọ giới tỳ khưu theo truyền thống Theravāda với thầy tế độ là Hòa Thượng Medhaṅkara Mahāsāmi là Tăng trưởng Tích Lan từ 1245-1258, vị thầy giáo thọ là Thượng Tọa Diṃbulāgala Dīpaṅkara. Các vị này thuộc phái các vị chuyên ngụ ở rừng của vùng Udumbaragiri theo hệ thống Đại Tự (Mahāvihāra) của Tích Lan. Năm 1271, vị ấy đã được phong tước vị Mahāsāmi tức là Saṅgharāja (Vua Sãi) của Tích Lan. Đến khoảng năm 1280, vị ấy đã trở về bản xứ và ngụ tại Sri Dharmarāja Nagara (Nakhon Sri Thammarat ngày nay). Đại Vương Rām Khāmhaeng (Paramarāja Mahārāja) đã mời ngài đến thăm viếng Sukhodai, đồng thời để phát triển Phật Giáo Theravāda. Từ quê hương, ngài đã dùng đường biển một đoạn đường rồi ngược giòng sông Cửu Long (Menam) [*] để đến được Ayodayapura (Ayodhya) năm 1283. Đức vua đã cho xây dựng tu viện Araññika Mahāvihāra (tức là Laṅkārāma Mahāvāsā, ngày nay gọi là Wat Sapan Hin) khoảng hai ki-lô-mét ở phía tây của thành phố Sukhodai để ngài trú ngụ. Ngài không những đã thiết lập phái tu trong rừng ở Thái Lan mà còn giới thiệu truyền thống tu tập theo Theravāda Tích Lan ở vương quốc này nữa. Vị ấy chính là Dhammakitti Mahāsāmi (1271-1315 AD). Một số bài thuyết pháp của ngài đã được ghi lại trong Sotabbamālinī (1290) gồm 80 bài pháp thoại và tác phẩm Saddhamsaṅgaha (1295). Các tư liệu trên đã được ghi chép lại trên bia đá của vua Rām Khāmhaeng thời kỳ 1292.

Bản văn Pāli này được sao chép lại từ văn bản viết bằng mẫu tự La tinh đã được Ven. Nedimāle Saddhānanda (ngụ tại Asokārāma Vihāraya thuộc Kalutara, Ceylon) chỉnh lý và in ở trong "Journal of the Pali Text Society" năm 1890 và được in lại năm 1978 (trang 23-90). Chúng tôi đã gặp nhiều khó khăn khi nghiên cứu phần Pāli từ bản văn này mặc dầu đã có bản dịch tiếng Anh của Dr. B. C. Law để tham khảo. Dr. Law hình như cũng gặp nhiều khó khăn với bản Pāli này vì có rất nhiều lỗi. Khi bản dịch gần được hoàn tất, chúng tôi may mắn tìm được một cuốn sách in năm 1989 trong đó có nguyên tác ghi lại bằng mẫu tự Sīhala cùng với bản dịch tiếng Tích Lan của Thượng Tọa Paṇḍit Gammeddegoda Puññasāra, trụ trì Totagamu Vihāra, Telwatta, Sri Lanka. Nhờ đó, chúng tôi có dịp học thêm mẫu tự Pāli Sīhala rồi đối chiếu từng từ một và điều chỉnh lại để có được một văn bản tương đối hoàn chỉnh được in ở đây và bản dịch tiếng Việt đã được thực hiện từ văn bản này. Phần dịch bằng tiếng Tích Lan cũng giúp đỡ nhiều trong việc kiểm chứng lại các đoạn văn khó hiểu. Vấn đề in song ngữ không có mục đích gì khác hơn để giúp cho quý độc giả có thể kiểm tra lại những đoạn có lời dịch không rõ ràng, cũng như có thêm tài liệu để quý vị tiện việc nghiên cứu về phương diện ngôn ngữ. Loại ngôn ngữ này, theo thói quen gọi là ngôn ngữ Pāli, đã được truyền thống Phật Giáo Theravāda sử dụng để ghi lại những lời dạy của đức Phật. Theo tư kiến của chúng tôi, văn phong Pāli của tác phẩm này rất gần gũi với văn phong cổ điển được sử dụng trong Tam Tạng và còn có cả văn xuôi lẫn văn vần để thực tập. Thêm vào đó, một số cụm từ liên kết đã được phân tích giúp cho người học Pāli quen dần với sandhi (sự liên kết của các từ với nhau) là phần văn phạm được thành tựu nhờ kinh nghiệm nhiều hơn là do việc học hỏi theo giáo trình.

Bản dịch này được hoàn tất nhờ sự đóng góp công sức của nhiều người. Chúng tôi xin chân thành ghi nhận công đức của đại đức Chánh Kiến, đại đức Tâm An, đại đức Giác Hạnh, sư cô Nguyên Hương, đạo hữu Lương Xuân Lộc, Bà Diệu Đài, gia đình cô Nguyễn Ngọc Vivian đã thường xuyên thăm hỏi, khích lệ, ủng hộ tài chánh, cũng như đã bỏ công đọc lại bản thảo và có nhiều góp ý thiết thực. Chúc quý vị được thành tựu nhiều phước báu như nguyện.

Công đức này cũng xin dâng đến Hòa Thượng trụ trì và chư Tăng chùa Sri Jayawardhanaramaya, Colombo đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho chúng tôi trong công việc học tập và nghiên cứu Phật Pháp tại Tích Lan.

Mong sao hết thảy chúng sanh đều được tấn hóa trong ánh hào quang của Chánh Pháp.

Colombo, ngày 23 tháng 07 năm 2003
Bhikkhu Indacanda
(Trương đình Dũng)

(Hiệu đính lần thứ nhất hoàn tất ngày 17/11/2004)

 [*] Thật ra, đây phải là sông Chaophya (Meanam Chaophya), chảy ngang Ayodhya (Ayuthaya), đổ xuống Bangkok, rồi chảy ra biển (Bình Anson, 06-2005).

-ooOoo-

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Nguyên tác Pāli:

Saddhammasaṅgaha, Dhammakitti Mahāsāmi. Transliterated in Sinhala and Translated into Sinhala by Ven. Pandit Gammeddegoda Puññasāra. Siri Printers: Colombo 1989.

Journal of the Pali Text Society 1890. Pali Text Society: London 1978.

Bản dịch và sách Anh ngữ:

Law, Bimala Churn. A Manual of Buddhist Historical Traditions (Saddhammasangaha). Asian Educational Services, New Delhi 1999.

Hazra, Kanai Lal. The Buddhist Annals and Chronicles of South-East Asia. Munshiram Manoharlal Publishers Pvt. Ltd.: New Delhi 1986.

Malalasekera, G. P. The Pāli Literature of Ceylon. Buddhist Publication Society Kandy Sri Lanka (reprinted): Kandy 1994.

-ooOoo-

Ðầu trang | Bản Việt | Bản Pali | Mục lục

 

Chân thành cám ơn Tỳ khưu Indachanda đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 08-2003, 05-2005)

[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 27-06-2005