Trang gốc

Trang web BuddhaSasana

Times (Unicode) font

 

Ba Mươi Ngày Thiền Quán 
Kim Chỉ Nam Thiền Vipassana 

Nguyên tác: The Experience of Insight,
Joseph Goldstein, 1976
Dịch giả: Nguyễn Duy Nhiên, 1992


[04]

Buổi tối thứ thứ mười sáu 
NGHIỆP QUẢ

Có một lần, có người hỏi đức Phật, tại sao có người sanh ra lại giàu có trong khi những người khác nghèo khổ, có người được thân thể khỏe mạnh trong khi kẻ khác lại ốm yếu, bệnh tật. Tại sao có người lại đẹp đẽ và có người lại xấu xí? Tại sao có người có đông bạn bè, trong khi có người lại chẳng có một ai? Cái gì có thể giải thích được sự sai biệt này giữa mọi người với nhau? Ðức Phật trả lời rằng mỗi người đều là kẻ thừa kế, thừa hưởng những nghiệp quả của chính họ đã tạo ra trong quá khứ. Thật ra, chính vì những việc làm trong quá khứ mà chúng ta sanh ra trong cõi này. Cuộc sống mà chúng ta đang kinh nghiệm trong giờ phút hiện tại đây, là kết quả huân tập của những việc ta đã làm trong quá khứ. 

Ðức Phật còn giải thích thêm những hành động nào sẽ đưa đến những kết quả ra sao. Ngài nói những ai giết kẻ khác sẽ bị chết yểu. Những ai phóng sanh sẽ có một cuộc đời trường thọ. Những người tạo khổ đau cho kẻ khác sẽ sanh ra ốm yếu bệnh tật. Những ai theo con đường không bạo động, sẽ có một sức khỏe lành mạnh. Ðức Phật dạy rằng, những ai tham lam ích kỷ sẽ có một cuộc sống nghèo khó. Những ai biết bố thí, rộng rãi sẽ được giàu có sung túc. Ðây chính là sự vay trả luật nhân quả. Mỗi một hành động sẽ tạo nên một kết quả đặc biệt. 

Những ai buông lỏng trong sự tức giận, luôn luôn sử dụng ngôn ngữ thô lỗ, sẽ có một bề ngoài khó coi, xấu xa. Còn những ai thực hành từ bi, ăn nói dịu dàng, sẽ có một bề ngoài đẹp đẽ, sáng sủa. Chúng ta là những người thừa tự các kết quả của hành động tạo mình trong quá khứ. Những người hay có hành động bất hòa, như là tà dâm, trộm cắp, sẽ bị giao du với những kẻ mê muội, không có bạn bè nhiều và sẽ không có cơ hội gặp được Phật pháp. Còn những ai biết giữ giới luật sẽ được gặp những hoàn cảnh thuận tiện, giao du với những thiện trí thức và được nhiều sự giúp đở trong cuộc sống. Những ai không bao giờ biết thắc mắc về cuộc sống này, không hề tìm hiểu tâm mình, cũng không cần để ý phân tách tự thể của sự vật chung quanh, sẽ sanh ra ngu si và mê muội. Còn những ai biết thắc mắc, tìm hiểu, luôn đi tìm câu trả lời cho cuộc sống này, sẽ sanh ra là một người sáng suốt. Tóm lại, tất cả chỉ là một sự vận hành của luật nhân quả. 

Không có ai ở trên trời quyết định số mạng, vận mệnh của ta hết. Hiểu được luật nhân quả, ta sẽ có thể tự tạo lập số mệnh cho mình. Có những con đường dẫn ta đến nơi cao thượng, an lạc, cũng có những con đường đưa ta xuống chốn khổ đau. Khi chúng ta hiểu được điều này, ta có được hoàn toàn tự do trong sự chọn lựa của mình. 

Có bốn loại nghiệp quả chánh tác dụng đến đời sống chúng ta. Loại thứ nhất được gọi là Nghiệp tái tạo. Chúng là sức mạnh tạo bởi những hành động mà ta đã làm, có thể quyết định được cảnh giới cho kiếp sống tới. Những hành động này có khả năng dẫn ta tái sinh vào cảnh giới của người, những cảnh giới thấp hơn, hay cảnh giới của trời hoặc của A tu la. 

Loại thứ hai là Nghiệp trợ duyên. Ðây là những hành động có ảnh hưởng duy trì và trợ lực cho nghiệp tái tạo. Thí dụ như ta có được một nghiệp tái tạo tốt và được sanh vào cảnh giới người. Ðây là một sự tái sanh tốt, vào một cảnh giới có hạnh phúc. Nghiệp trợ duyên là những việc làm giúp cho kiếp sống làm người của ta được thuận lợi. Chúng duy trì cho nghiệp tái tạo được tốt và trợ lực cho các hạnh phúc được khởi sanh

Loại thứ ba là Nghiệp bổ đồng. Nó có ảnh hưởng ngăn trở nghiệp tái tạo. Giả sử ta có những thiện duyên và được tái sanh làm con người, nhưng chúng ta lại bị đủ thứ mọi khó khăn, đau đớn, khổ cực. Ðó là ảnh hưởng của nghiệp bổ đồng. Sự tái sanh được tốt. Nghiệp dẫn đến sự tái sanh có đầy thiện duyên, nhưng chúng bị ảnh hưởng của nghiệp bổ đồng làm suy nhược và trở ngại, khiến ta gặp nhiều hoàn cảnh khó khăn. Nhưng nghiệp bổ đồng cũng có tác dụng ngược lại. Giả sử có người bị tái sanh vào cảnh giới súc sanh. Ðây là một nghiệp tái tạo xấu, vì ta bị sanh vào một cảnh giới thấp hơn. Nhưng nghiệp bổ đồng khiến cho kiếp thú đó lại trở nên rất dễ chịu, cũng giống như những con vật được nâng niu, chìu chuộng trong xã hội Tây phương. Những con vật này đôi khi lại còn được sung sướng, đầy đủ hơn nhiều người khác trên thế giới. Loại nghiệp này có tác dụng làm trở ngại nghiệp tái tạo xấu. Nó có ảnh hưởng hai chiều. 

Loại nghiệp chót được gọi là Nghiệp tiêu diệt. Nó có khả năng tiêu diệt hoàn toàn năng lực của một nghiệp khác. Giả sử bạn bắn một mũi tên vào không trung. Mũi tên bay theo một sức đẩy nhứt định nào đó, và nếu không bị ngăn trở, nó sẽ tiếp tục bay cho đến khi hết sức rồi sẽ rơi xuống. Nghiệp tiêu diệt cũng như một chướng ngại vật chận đứng sức tiến của mũi tên và làm nó rơi xuống đất. Có những người bị chết sớm. Những người này có thể có nghiệp tái tạo và nghiệp trợ duyên tốt đệp, nhưng vì một hành động xấu nào đó trong quá khứ mà nghiệp tiêu diệt đã làm ngưng đường bay của mũi tên, tiêu diệt mọi năng lực của các nghiệp tốt khác. 

Trong thời của đức Phật, có một câu chuyện có thể thí dụ cho ta thấy sự hoạt động của những nghiệp này. Có một người nọ, ông ta cúng dường thực phẩm đến một vị A La Hán. Nhưng sau khi dâng thực phẩm lên, ông lại cảm thấy tiếc rẻ, hối hận. Chuyện kể rằng trong bảy kiếp liên tiếp, ông ta được sanh ra làm một nhà triệu phú nhờ kết quả của việc cúng dường. Cúng dường cho một bậc giác ngộ được phước báu rất lớn. Nhưng kết quả của sự hối hận, tiếc rẻ là mặc dù ông ta sanh ra giàu có nhưng lúc nào cũng keo kiệt, hoàn toàn không hưởng được sự sung túc của mình. Những nghiệp khác nhau đem lại những kết quả khác nhau, tùy thuộc vào trạng thái tâm của ta lúc ấy. 

Nghiệp tái tạo rất quan trọng và cần được hiểu rõ, vì nó có tác dụng quyết định cảnh giới tái sanh của ta. Ðây là loại nghiệp hoạt động rất mạnh trong giây phút cuối cùng của sự sống. Trong giây phút lâm chung này, có bốn loại nghiệp có thể khởi lên: 

- Thứ nhất là Trọng nghiệp, có thể là thiện hay ác. Trọng nghiệp thuộc về ác có năm thứ, được gọi là ngũ nghịch đại tội là: giết cha, giết mẹ, giết một vị A La Hán hay gây thương tích cho đức Phật và chia rẽ Tăng chúng. Một trong ngũ tội có khả năng vượt lên trên mọi hành động trong quá khứ và quyết định việc tái sanh. Chúng chắc chắn sẽ sanh quả. Những trọng nghiệp thuộc về thiện là kết quả của người đã đạt được trạng thái thiền định và họ giữ được cho đến khi lâm chung. Kết quả của nghiệp này là được tái sinh vào cảnh giới của Trời. Trọng nghiệp bao giờ cũng giữ một địa vị ưu thế hơn mọi loại nghiệp khác. Những trọng nghiệp khác thuộc về thiện là kết quả của những giai đoạn giác ngộ khác nhau. Chúng không quyết định chắc chắn cảnh giới tái sinh của ta, nhưng điều chắc chắn là nó se đi lên. Chúng ngăn chận sự tái sanh vào những thế giới thấp kém. 

- Những loại nghiệp không có một trọng nghiệp nào để làm điều kiện tái sanh thì được gọi là Cận nghiệp, tức là nghiệp tạo bởi những hành vi cuối cùng trước khi lâm chung. Nói một cách khác hơn, trong giờ phút lâm chung, nếu ta chợt nhớ đến những việc làm thiện, hay có ai nhắc nhở ta về những việc làm thiện, hoặc là ngay trước khi lâm chung ta làm một điều gì tốt, chúng sẽ trở thành nghiệp quyết định sự tái sinh của mình. Trong thời đức Phật, có một tên sát nhận sắp sửa bị treo cổ, lúc ấy hắn chợt nhớ lại trong đời có một lần hắn đã dâng đồ ăn cho ngài Sariputra, một đại đệ tử của đức Phật. Tư tưởng chót của anh ta trước khi chết là về món quà này. Mặc dù trong suốt cuộc đời, anh ta đã làm biết bao nhiêu điều tội lỗi, nhưng kết quả của tư tưởng lành cuối cùng đó đã giúp anh được tái sinh lên cõi trời. Và nó cũng có một tác dụng ngược lại. Nhưng chúng ta đừng nghĩ rằng những nghiệp thiện, ác tích lũy bấy lâu nay sẽ không theo ta. Nó chỉ có nghĩa là cận nghiệp, tức những hành động, những tư tưởng trong giờ lâm chung, có kết quả ưu tiên. Nó quyết định sự tái sinh của mình. Nhưng thường thì trong giờ phút lâm chung, tâm ta rất là tán loạn, sợ hãi, tập trung tâm mình để chỉ nghĩ về những sự việc, hành động thiện của mình không phải là một chuyện dễ làm. 

- Nếu không có cận nghiệp, thì Thường nghiệp sẽ hiện diện. Những hành động lập đi, lập lại nhiều lần, những thói quen sẽ xuất hiện trong giờ phút lâm chung. Nếu có một người nào tạo nhiều nghiệp sát sanh, những tưtưởng ấy sẽ xuất hiện trong giờ phút cuối, vì là kết quả của thường nghiệp. Hoặc nếu có một người nào đó đã làm nhiều việc thiện, rất rộng rãi, hay đã ngồi thiền nhiều lần, trong giờ phút chót anh ta sẽ có thể nhớ lại những hành động ấy hay thấy lại một hình ảnh mình đang ngồi thiền trên một tọa cụ. Và nó sẽ trở thành nghiệp quyết định sự tái sinh kế tiếp của ta. 

- Nếu không có trọng nghiệp, không có cận nghiệp, cũng không có một thường nghiệp vững mạnh nào thì Nghiệp tích trữ sẽ xuất hiện để hướng dẫn sự tái sinh của mình. Nếu cuộc đời chúng ta chỉ là một chuỗi dài vô tận của những hành vi thiện, ác lẫn lộn, thì bất cứ một hành động nào trong quá khứ cũng có thể khởi lên được trong giờ phút lâm chung. 

Một thí dụ cho sự hoạt động của những nghiệp này là một đàn bò được nuôi lẫn lộn trong một vựa thóc. Buổi sáng khi mở cửa, con bò ra đầu tiên sẽ là một con bò khỏe mạnh nhất. Nó chen lấn, thúc đẩy những con khác qua một bên để được ra trước. Giả sử không có một con bò nào là khỏe mạnh nhất. Thì con ra trước nhất có thể là một con bò sữa, đứng cạnh cửa chuồng. Nó chỉ cần nhẹ nhàng tách mình đi ra. Rồi nếu thí dụ như chẳng có một con nào đứng gần ở cửa chuồng cả, thì con bò ra trước sẽ là con bò vẫn có một thói quen hướng dẫn những con khác. Và nếu như chẳng có con bò nào có thói quen đó, thì bất cứ con bò nào trong đàn đều có thể là con ra trước. Nghiệp lực cũng hoạt động tương tự như thế vào giây phút chót: Trọng nghiệp, Cận nghiệp, Thường nghiệp và Tích trữ nghiệp. 

Có một yếu tố để giữ cho ta lúc nào cũng tiến về sự thanh nhẹ, hạnh phúc và an lạc, đó chính là chánh niệm. Chánh niệm có ảnh hưởng đến kết quả của Trọng nghiệp, vì yếu tố giác ngộ. Chánh niệm cũng có ảnh hưởng đến kết quả ở Cận nghiệp. Nếu chúng ta có ý thức một cách sâu sắc, thì dù trong giờ phút lâm chung, tâm ta lúc nào cũng được quân bình và không bị chi phối bởi những sự bất thiện. Chánh niệm cũng là Thường nghiệp. Nếu chúng ta thực tập mỗi ngày một cách chuyên cần, chánh niệm sẽ tự động khởilên trong giây phút lâm chung. Ý thức chánh niệm mà chúng ta đang tu tập ở đây, nó là một năng lực vô cùng quan trọng. Chính nó sẽ là một yếu tố quyết định nơi loại nghiệp hoạt động trong giờ phút lâm chung. 

Hỏi: Những sinh linh ở các cõi thấp hơn chúng ta có tạo nghiệp không? Thí dụ như một con chó có thể tạo nghiệp vì sự hiền lành, dễ thương hay hung dữ, bạo động của nó không? 

Ðáp: Ai cũng tạo nghiệp cả, loài thú cũng vậy. Bạn có thể thấy những con vật rất dữ tợn. Bạn có thể thấy được sự sợ hãi, giận dữ, thù ghét ở nơi chúng. Cũng có những con vật rất đẹp, dễ thương, thoải mái. Tất cả đều tùy thuộc vào phẩm chất của tâm. 

Hỏi: Có nghiệp chung cho một gia đình không? 

Ðáp: Có một loại nghiệp được gọi là Cộng nghiệp. Thí dụ như một quốc gia theo một chánh sách nào đó, sẽ tạo nên một cộng nghiệp cho quốc gia ấy. Chúng ta chịu chung nghiệp với những người khác, nếu chúng ta chấp nhận hành động của họ. Nếu chúng ta có tư tưởng chấp nhận việc làm của một người nào, thì nghiệp lực sẽ phát sinh. Bạn có thể thấy rõ điều này vào thời chiến tranh. Những ai ủng hộ cuộc chiến sẽ phải cùng nhau chia xẻ nghiệp ấy. Còn những người không chấp nhận, sẽ tránh khỏi việc chịu chung cộng nghiệp đó. Khi còn ở Ấn Ðộ, tôi có quen một người bạn từ Hòa Lan. Anh ta kể lại chuyện gia đình anh trong kỳ thế chiến thư hai vừa qua. Anh nói rằng, không hiểu vì sao gia đình anh lúc nào cũng có đầy đủ thực phẩm. Mặc dù cả nước đang ở trong một tình trạng khủng hoảng, thiếu thốn thực phẩm, nhưng đây đó vẫn có một số người không phải chịu chung một hoàn cảnh đó. Bạn có thể thấy được ảnh hưởng của công nghiệp trên những người không tham dự hay ủng hộ đường lối bất thiện của một quốc gia, một nhóm; họ không chịu chung một số mệnh. Và những người tán thành các hành động, chính sách nhân đạo sẽ huân tập được những thiện nghiệp về sau. 

Hỏi: Nhiều khi những dành từ và thí dụ ông dùng làm cho tôi lộn xộn. 

Ðáp: Dẹp qua một bên những thí dụ. Hãy đi thẳng vào mà kinh nghiệm thế nào là chánh niệm. Khi có một tư tưởng khởi lên, bạn có hai sự chọn lựa: tư tưởng có thể khởi lên rồi bạn hoàn toàn bị nó lôi cuốn theo, không còn ý thức được mình đang nhgĩ gì. Hay là có sự hiện diện của chánh niệm và ý thức được rằng có một tiến trình tư tưởng đang hoạt động. Mỗi khi có chánh niệm, đối với tư tưởng hay bất cứ một đề mục nào, chúng sẽ đến rồi đi, nếu được ý thức một cách rõ ràng, tâm ta sẽ giữ được quân bình sau khi đó. 

Với tất cả những danh từ, chữ nghĩa mà tôi dùng có người lãnh hội được, có người không điều đó không quan trọng. Hãy dùng những danh từ, ý niệm nào giúp bạn làm sáng tỏ được vấn đề, còn lại thì cứ bỏ hết. Chỉ có kinh nghiệm được những gì đang xảy ra mới là quan trọng, chứ không phải mê tín, chấp nhận vào những điều gì người khác nói. Trí tuệ phát xuất từ một nội tâm thinh lặng, chứ không phải qua những lời phân tích, bàn luận về các chuyện đang xảy ra. 

Hỏi: Nhưng mà nhiều khi người ta ăn một cái bánh vì bề ngoài, màu sắc của nó. 

Ðáp: Cứ việc dùng bề ngoài, bất cứ màu sắc nào hấp dẫn bạn. Nhưng nhớ phải ăn cái bánh! Có một câu chuyện sau đây: 

Có một ông giáo sư đại học nọ đi biển trên một chiếc tàu nhỏ. Một đêm nọ ông đi gặp người thủy thủ già và nói: 

- Này ông già kia, ông biết gì về Ðại dương học? 

Người thủy thủ già thật ra chẳng hiểu danh từ đó có nghĩa là gì. Ông giáo sư nói: 

- Ông thật đã phí một phần tư cuộc đời mình! Sống cả đời trên biển mà lại không biết gì về Ðại dương học. 

Ðêm kế đó, ông giáo sư lại đi tìm người thủy thủ già và nói: 

- Ông già kia! Ông biết gì về Khí tượng học? 

Một lần nữa, ông thủy thủ già cũng chưa từng nghe danh từ đó bao giờ. 

- Môn học về thời tiết đó! 

- Vậy à, thật ra tôi chẳng biết gì về môn đó cả. 

- Vậy là ông đã phí cả nửa đời mình rồi! 

Ðêm kế đến, ông giáo sư lại đi tìm người thủy thủ già, nói: 

- Ông biết gì về Thiên văn học? 

- Tôi không biết gì cả. 

- Ông đi biển cả đời, ông cần những vì sao để định phương hướng mà ông lại không biết gì về Thiên văn học cả. Ông thật đã hoang phí cả ba phần tư đời mình rồi! Uổng thật. 

Ðêm hôm sau, người thủy thủ già vội vã đi tìm ông giáo sư già và nói: 

- Giáo sư, ông biết gì về Bơi lội học? 

Ông giáo sư lắc đầu: 

- Tôi không biết gì hết, tôi chưa có học bơi bao giờ cả. 

- Ồ, vậy thì tội nghiệp cho giáo sư quá, tàu đang chìm! Giáo sư đã hoang phí cả cuộc đời mình rồi! 

Chỉ có môn Bơi lội học mới thật sự là quan trọng. 

-ooOoo

Buổi tối thứ mười bảy 
Bài tập: HÔN TRẦM

Mỗi khi có một cơn đau xuất hiện ở đâu đó trong thân, ta thường có khuynh hướng phản ứng bằng cách căng thẳng những bắp thịt ở một nơi khác. Vì vậy thỉnh thoảng ta nên buông thư, thả lỏng toàn thân, từng bộ phận một, buông thả sự căng thẳng tích tụ vì những phản ứng sâu kín đối với các cảm giác khó chịu. Nhờ vậy ta có thể tiếp tục ngồi lại mà quán chiếu các hiện tượng một cách dễ dàng hơn. 

Hãy lợi dụng những quyết định về các giờ ngồi yên của mình, để ngồi một giờ mà hoàn toàn không cử động hay nhúc nhích. Sự cương quyết này sẽ làm gia tăng sức mạnh của tâm trên nhiều lãnh vực khác nhau. Sự tinh tấn và năng lực sẽ được thêm vững mạnh, và sự yên lặng của thân sẽ làm tăng trưởng định lực và chánh niệm. Thông thường thì thân ta có phản ứng đối với mọi cảm giác hay cảm thọ khó chịu, dù chúng thật nhỏ nhặt, bằng cách nhúc nhích thân thể. Nhưng chúng ta ít khi ý thức được tiến trình đó: cảm thấy hơi khó chịu, cho nên đổi tư thế một chút. Bằng cách cương quyết không cử động trong một giờ đồng hồ, chúng ta sẽ không thể nào trốn chạy, bị bắt buộc phải ý thức những giây phút khó chịu ấy và những phản ứng của ta đối với chúng. Bạn cũng có thể tăng những giờ ấy lên. Nếu bạn thấy nó trở nên dịu dàng, hãy quyết định ngồi lâu hơn. 

Khi định lực phát triển, đôi khi tâm ta có thể bị đi vào một trạng thái dễ chịu giống như mê ngủ. Ðây chính là hôn trầm. Bạn có thể ngồi được thật lâu trong trạng thái này. Hãy tỉnh thức, đừng đẻ chánh niệm của ta bị xao lãng. Khi nào bạn cảm thấy mình đang đi vào một trạng thái hôm trầm, hãy cố gắng gia tăng chánh niệm, để ta lúc nào cũng ý thức được những gì đang xảy ra trong giờ phút hiện tại. Ðược như vậy, trí tuệ sẽ khai triển, ta sẽ kinh nghiệm được tức khắc sự sanh diệt của tư tưởng, của cảm thọ, hơi thở, những trạng thái của tâm thức. Ðừng để tâm mình rơi vào một trạng thái hôn trầm. Ðiều này có thể xảy ra khi ta ngồi yên quá lâu. Hãy giữ chánh niệm. Ðó chính là căn bản của trí tuệ. Phải luôn luôn giữ một ý thức sáng suốt. 

-ooOoo-

Buổi tối thứ mười tám 
SỰ TRONG SẠCH VÀ HẠNH PHÚC

Mark Twain có kể câu chuyện về một người được sanh lên thiên đàng. Khi anh ta đến nơi, người ta ban cho anh một đôi cánh và một cây thụ cầm. Những ngày đầu, anh dùng đôi cánh của mình để bay đi đây đó, và mỗi khi muốn nghe nhạc trên cõi trời, anh chỉ cầm cây thụ cầm của mình lên gảy. Nhưng sau một thời gian, cả hai thứ ấy trở thành một gánh nặng cho anh. Cuối cùng anh khám phá ra rằng trên trời mình không cần đến đôi cánh để đi đây đó, và chỉ cần khởi ý muốn, là tự nhiên những nhạc công trên trời sẽ hiện ra và bắt đầu hòa tấu nhạc cho mình nghe. Sau cùng anh ta bỏ đôi cánh và cây thụ cầm xuống, và anh thật sự bắt đầu vui chơi. 

Cũng vậy, chúng ta đôi khi tự giới hạn chính mình bằng những ý niệm về vấn đề trong sạch và hạnh phúc. Chúng ta tự mang lên trên người những đôi cánh, cây đàn, hào quang không cần thiết, khi nghĩ rằng hạnh phúc có nghĩa là phải có một cái gì hay là phải hành động theo một đường lối đặc biệt nào đó. Khi chúng ta dẹp qua một bên những quan niệm hẹp hòi của mình, ta sẽ có thể bắt đầu kinh nghiệm được những niềm vui sâu xa hơn. 

Có nhiều loại hạnh phúc khác nhau, chúng tùy thuộc vào mức độ trong sạch của mình. Sắc dục hay là thú vui qua các giác quan là loại hạnh phúc đầu tiên mà ta có thể cảm nhận được: nhìn những cảnh đẹp, nghe những âm thanh êm tai, ngữi nếm những mùi vị thơm ngon, có những cảm giác thoải mái. Là con người, chúng ta ai cũng đã nhiều lần được hưởng những thú vui này. Mặc dù chúng chỉ tạm bợ, nhung chúng cũng đã đem lại cho ta một phần nào thú vị, hạnh phúc thoải mái. 

Lại còn có một loại hạnh phúc sắc dục cao quý hơn được tả lại trong kinh sách, về những cõi trời, nơi mà mọi vật đều tuyệt mỹ và tươi mát. Dân chúng ở đây có thân làm bằng ánh sáng, không bao giờ biết đau đớn hay khó chịu. Mọi thú vui ham muốn đều được thỏa mãn. Nơi đây có những lâu đài làm bằng ngọc quý, có những nhạc công thiên thần, cùng tiên thánh và các hàng bồ tát. Kinh nói rằng đức bồ tát Di Lặc, vị Phật tương lai, hiện đang ngự trị ở một cõi trời như vầy và đang thuyết pháp cho dân ở đó nghe. Hạnh phúc ở cõi thiên thứ thuộc vào loại cao quý hơn. 

Con đường đưa đến hạnh phúc trong sạch trong cõi Dục giới là những hành động trong sạch,giai đoạn đầu tiên của sụ tinh luyện. Những hành động trong sạch có nghĩa là thực hành bố thí, trì giới, không chạy theo tham, sân, si. Những hành động trong sạch này là nhân sanh những quả tốt lành, hạnh phúc, để cho ta được hưởng thụ cả trong hai cõi người và trời. 

Có một loại hạnh phúc cao hơn cả hạnh phúc của cõi trời. Ðó chính là sự hạnh phúc và an lạc của thiền định. Khi tâm ta đã phát triển được một định lực cao độ, nó sẽ có một niềm an lạc siêu diệu, vượt lên trên mọi khoái lạc về sắc dục. Tâm ta lúc ấy không còn chạy theo những đối tượng của các giác quan và hoàn toàn bị thu hút vào một đề mục duy nhất. Hạnh phúc này vững bền hơn những khoái lạc của các giác quan vì những hạnh phúc của sắc dục đến và đi rất mau chóng. 

Có những trạng thái của tâm, có thể đạt đến qua sức mạnh của thiền định, gọi là cõi Phạm, thiên hay cõi của Tứ Vô Lượng Tâm. Chúng có tên gọi như vậy là vì phẩm chất của tâm lúc đó tương đương với cõi trời Phạm Thiên, một thế giới cao tột nhất mà ta có thể kinh nghiệm được. 

- Vô lượng tâm đầu tiên là lòng đại Từ. Từ ở đây không có nghĩa là lòng thương người vì sự quyến luyến hay vì chiếm hữu, mà là một tình thương phát xuất ở một lòng đại từ, muốn cho chúng sanh khắp mọi nơi đều được an lạc và hạnh phúc. Ở trạng thái này, tâm ta có một định lực rất mạnh, nó có khả năng phóng tình thương vô tận của mình đi khắp mọi phương hướng. 

- Vô lượng tâm thứ hai là lòng đại Bi, có nghĩa là lòng thương xót mọi loại đang bi đau khổ - muốn làm vơi đi những nỗi khổ của kẻ khác. 

- Vô lượng tâm thứ ba là lòng Hỷ, có nghĩa là chia xẻ nỗi mừng với hạnh phúc, an lạc của kẻ khác, cảm thấy người khác được hạnh phúc mà mình cũng cảm thấy được vui lây. So với thói thường là, ngược lại, người ta thường hay ghen tức, cạnh trạnh với hạnh phúc của kẻ khác. Một tâm biết hân hoan với niềm vui của người khác thì sẽ tỏa sáng và thanh nhẹ. 

- Vô lượng tâm cuối cùng là lòng Xả, có nghĩa là một tâm quân bình, hoàn toàn không bị chi phối bởi những thăng trầm, buồn vui của cuộc đời. Một tâm lúc nào cũng giữ được sự quân bình và an ổn. 

Hạnh phúc của Tứ Vô Lượng Tâm: Từ, Bi, Hỷ, Xã, sẽ xuất hiện khi định lực của ta được phát triển đầy đủ. Cũng như là sự trong sạch của phẩm hạnh tùy thuộc vào hành động, sự trong sạch của tâm tùy thuộc vào định lực của ta. 

Nhưng còn có một niềm hạnh phúc to tát bội phần hơn cả cõi Phạm Thiên, là của thiền định. Ðó là hạnh phúc của Vipassana, hạnh phúc của trí tuệ. Tâm thức đó có khả năng quán chiếu, thẳm thấu vào tự thể của mọi vật, kinh nghiệm được sự sanh diệt của mọi hiện tượng một cách rõ rệt. Hạnh phúc của Vipassana bao giờ cũng siêu việt hơn tất cả, vì trong nhận thức sáng suốt hành giả được nếm mùi vị của tự do, giải thoát. Không phải chỉ đắm chìm trong những khoái lạc của sắc dục, cũng không phải chỉ bị thu hút vào trong một trạng thái an vui của thiền định. Niềm hạnh phúc ở đây là của trí tuệ, khi tâm ta trở nên rực rỡ và tri giác tỏa chiếu sự trong sáng của nó. Ðây cũng giống như khi ta lau chùi một ly thủy tinh cho đến khi nó chiếu sáng lấp lánh. Bằng sự tu tập chánh niệm, của Vipassana, tâm ta cũng có thể đạt đến một sự rực rỡ như vậy, và hưởng được niền an lạc vô biên bắt nguồn từ một trí tuệ thâm sâu. 

Có một giai đoạn tinh luyện, gọi là quan niệm chân chánh, có thể làm khởi lên hạnh phúc Vipassana. Quan niệm chân chánh ở đây có nghĩa là thoát ra khỏi được ý niệm về một cái Ngã, mê chấp rằng ta có một tự thể riêng biệt. Thật ra chúng ta chỉ là một quá trình diễn tiến của thân và tâm, luôn hoạt động và chuyển biến. Có một lần đức Phật giảng một bài pháp gọi là "Tất cả". Bài kinh có tên "Tất cả" vì ngài diễn tả mọi hiện tượng trong vỏn vẹn sáu câu: "Mắt và đối tượng của mắt. Tai và âm thanh. Mũi và mùi hương. Lưỡi và vị nếm. Thân và cảm giác. Tâm thức và ý niệm hay những đối tượng của nó". 

Tất cả chỉ có vậy, ngoài những điều ấy không còn gì khác hơn nữa. Ðức Phật thường hay nói rằng, cả thế giới này chỉ hiện hữu trong phạm vi tâm thân dài mấy thước này mà thôi. Hiểu được các giác quan căn bản và những đối tượng của chúng, là ta hiểu được sự sanh diệt liên tục của sáu thức: nhản, nhĩ, tỷ, thiệt, thân và ý thức, khi đối diện với các đối tượng của chúng là sáu trần. Cả vũ trụ của ta chỉ là một tập hợp của những chuỗi liên tục, xảy ra thật lẹ, của các sự nghe, thấy, ngữi, nếm, cảm giác và kinh nghiệm những ý niệm khác nhau. Chỉ có sáu đối tượng và sáu thức để nhận biết chúng: chúng ta chỉ là một tiến trình liên tục này. Những sự kiện ấy chẳng xảy đến cho một cá nhân nào hết. Không có một tự thể riêng biệt nào để ta có thể gọi rằng: "cái này chính là tôi", bởi vì mỗi thức và đối tượng của nó sanh lên và diệt đi trong từng khoảnh khắc. 

Ðức Phật có diễn lại giáo lý này một cách thật cô đọng như sau: Trong cái thấy, chỉ có cái bị thấy; trong cái nghe, chỉ có cái bị nghe; trong cái cảm giác (ngữi, nếm, đụng chạm) chỉ có cái bị cảm giác; trong cái suy nghĩ chỉ có cái bị suy nghĩ". Không có gì ngoài những điều đó hết, hoàn toàn không có một cá nhân nào để cho nó xảy đến. 

Nghe, thấy, ngữi, nếm, cảm giác ở thân, ý thức. Hiện hữu của ta chỉ là một sự liên tục của sáu tiến trình này. Chúng ta đặt tên cho sự vật rất nhiều. Có vô số ý niệm để diễn tả những kinh nghiệm của mình. Nhưng mắt ta chỉ thấy màu sắc và hình dáng, nó không thấy cái "tên gọi". Chúng ta chỉ nghe âm thanh. Chúng ta đặt tên cho những âm thanh khác khau, nhưng thật ra chúng chỉ là sự rung động trong không khí chạm vào lỗ tai, khiến cho nhĩ thức khởi sanh lên. Một liên lạc giản dị giữa nhân và quả. Chẳng có ai ở đó. Sự việc xảy ra quá nhanh chóng, chúng gieo cho ta một ảo giác là những việc ấy xảy đến cho một người nào. Khi tâm ta yên lặng, ta sẽ bắt đầu kinh nghiệm được sự tinh luyện trong nhận thức của mình, ta sẽ thấy rằng cái ta của mình chỉ là một tiến trình của thức và trần, thoát ra ngoài ý niệm về một tự thể riêng biệt. VÀ khi sự tinh luyện được thâm sâu, chúng ta sẽ trở thành là một với dòng biến chuyển, thay vì u mê đi níu kéo, chấp vào nó. Quan niệm chân chánh có nghĩa là có một ý thức rõ ràng, nhìn sự vật bằng chân tướng của nó, một bắt đầu cho cái nhìn biến thể. Ðây chính là hạnh phúc đầu tiên của mùi vị giải thoát. 

Hiểu được tự thân của sự vật là cánh cửa đi vào một hạnh phúc cao tột nhất: niềm vui của Niết bàn, giác ngộ. Nơi đây có một sự an tĩnh, nghỉ ngơi, tươi mát vượt ra ngoài tiến trình thân tâm. Và một điều huyền diệu của giáo pháp nữa là, mọi loại hạnh phúc sẽ xảy đến với ta khi ta hướng về sự tự do cao tột nhất. 

Hỏi: Ông có thể diễn tả hạnh phúc của Niết bàn được không? 

Ðáp: Niết bàn có ba thứ hạnh phúc: Các hạnh phúc này được coi như là những niềm vui khác nhau, phát xuất từ sự hoàn toàn chấm dứt khổ đau. 

Khi tôi còn ở Ấn Ðộ, chúng tôi sống trên đỉnh một ngọn núi, và cách đó một khoảng chừng nửa tiếng đi bộ, phía dưới một dốc núi khá cao, là một khu chợ trời. Ở đây đa số hàng hóa đều được chuyên chở bằng cách mang vác trên lưng. Có một số các bà lão người Tây Tạng, mang trên lưng những thân cây thật to, leo lên núi mỗi ngày. Họ lê từng bước, uốn cong người xuống, vác gánh nặng trên lưng đi lên dốc. Bạn hãy tưởng tượng đến sự nhẹ nhàng, thoải mái của họ khi lên đến nơi và bỏ gánh nặng xuống! Một cảm giác thư thái vô cùng, khi ta có thể trút bỏ đi gánh nặng ấy. 

Hạnh phúc của Niết bàn là trút bỏ được gánh nặng của khổ đau. Ðây là một hạnh phúc cao tột nhất. Hiểu được con đường phải đi và kinh nghiệm giác ngộ ra sao, có lẽ ta cũng nên biết qua về những hạnh phúc khác nhau của Niết bàn và các hoạt động của chúng. 

- Hạnh phúc đầu tiên hết là hạnh phúc do sự tích lũy của trí tuệ và chánh kiến, được gọi là con đường Tâm thức - Đạo Tâm thức. Ðây mới chỉ là một cái nhìn thoáng qua, một kinh nghiệm đầu tiên của Niết bàn. Con đường tâm thức này có công dụng nhổ tung hết mọi gốc rễ của khổ đau như sấm sét. Ở đây ta không đè nén khổ đau như trong khi thiền định, nhưng là nhổ bứng tận gốc rễ, bức tung mọi xiềng xích trong tâm. Trong giai đoạn này ta diệt trừ được ba sợi dây xiềng xích hằng trói buộc ta vào vòng sanh tử luân hồi từ bấy lâu nay. Chúng là sự hoài nghi, mê tín vào những hình thức, lễ nghi (như là một phưong tiện dẫn đến giác ngộ) và chấp Ngã. Ba chướng ngại này sẽ bị loại trừ ra khỏi tâm ta một cách chớp nhoáng, bằng con đường Tâm thức với đối tượng là Niết bàn. 

- Ngay tiếp sau đó là loại hạnh phúc Niết bàn thứ hai, được gọi là Quả Tâm thức. Ta kinh nghiệm quả trái của con đường tu, mà đối tượng cũng là Niết bàn. Trong giai đoạn kết quả, không có gì để ta nhổ bứng, những việc ấy đã được hoàn tất trong giai đoạn thứ nhất. Giai đoạn kết quả này là lúc mà ta kinh nghiệm được sự an lạc của Niết bàn. Những ai có một định lực kiên cố, có thể đi vào trạng thái quả Niết bàn này bất cứ khi nào họ muốn. Họ ngồi xuống và có thể tự ý đi vào trong trạng thái này, hay trụ ở đây trong vòng nửa tiếng, một tiếng hay một vài ngày. Kinh nói rằng người ta có thể trụ trong sự an lạc của Niết bàn trong thời gian tối đa là bảy ngày mỗi lần. Yên lặng, tươi mát, xả bỏ, tự do. Một khi ta ra khỏi trạng thái quả trái ấy, vì tâm vẫn còn vướng víu những sự bất thiện khác, ta vẫn phải tiếp tục đi theo con đường thiền quán. Cũng giống như những gì chúng ta đang làm bây giờ đây, sự thực hành được tiếp tục. Bạn thấy được sự sanh diệt của mọi hiện tượng, bạn đi qua những trạng thái khác nhau. Bạn kinh nghiệm được giai đoạn tâm thức thứ hai, nó diệt thêm một số điều bất thiện trong tâm. Có tất cả bốn giai đoạn tâm thức, mỗi giai đoạn sẽ lần lượt thay phiên nhau cắt đứt những sợi dây xiềng xích, hằng trói buộc ta vào bánh xe sanh tử luân hồi. 

- Niết bàn cao tột nhất được gọi là Ðại Niết bàn (Parinirvana), trạng thái của một người đã hoàn toàn giác ngộ đi đến sau khi chết. Sẽ không còn luân hồi, không còn nhiên liệu, không còn ái dục để tái sanh. Nó cũng giống như một ngọn lửa đang bừng bừng cháy, giờ đã hoàn toàn bi dập tắt. Ngọn lửa thiêu đốt đã tắt, giờ chỉ còn một trạng thái an lạc, yên lặng, và tươi mát. Một hạnh phúc cao tột nhất. Ðôi khi có người lại sợ đi đến Niết bàn sớm quá, họ muốn được coi thêm vài cuốn phim nữa, được hưởng thêm một chút sắc dục nữa, hay là được ở trên cõi trời lâu thêm một chút. Nhưng nếu bạn nhắm mục tiêu vào một hạnh phúc cao thượng nhất, thì mọi thứ hạnh phúc khác tự nhiên cũng sẽ đến. 

Hỏi: Có thể nào chúng ta đang làm người rồi kiếp sau bị sanh làm thú vật hay không? Có cách nào sinh trở lại làm người được không? 

Ðáp: Lý do kiếp người vô cùng quý giá là bởi vì khi ta bị sanh vào một cõi thấp, sẽ rất khó để sanh trở lại vào một kiếp cao hơn. Vấn đề không phải là không thể được, nhưng thời gian sẽ rát là lâu. Ðức Phật có kể một thí dụ như sau để cho ta thấy khoảng thời gian ấy. Giả sử như có một con rùa mù mắt, sống ở dưới đáy một đại dương. Trên mặt đại dương, đâu đó có một chiếc vòng bằng gổ nổi trôi bấp bênh đây đó theo chiều gió. Cứ mỗi một trăm năm con rùa ấy trồi lên mặt nước một lần. Cơ hội để con rùa áy có thể đút đầu vào chiếc vòng bằng gổ, nhiều hơn là cơ hội ta có thể được tái sinh làm người. Ðây là lý do vì sao được sanh làm người là một điều vô cùng quý giá, vì vậy ta không nên hoang phí nó đi. 

Hỏi: Tôi thấy rất khó có thể hiểu được làm cách nào mà ta có thể biết được những gì xảy ra trước khi sanh và sau khi chết? 

Ðáp: Có hai cách để hiểu điều này. Một cách mà ta có thể dễ dàng liên nghĩ tới được là hiểu rõ tiến trình hoạt động của các hiện tượng trong mỗi giây phút. Sự sanh ra và hoại đi đang xảy ra liên tục, tâm thức của ta đang khởi lên và diệt đi không ngừng. Sự hoại diệt của tâm thức chính là cái chết. Không có một cái gì của tâm thức đó được đem qua giai đoạn kế tiếp hết. Qua kinh nghiệm của trí tuệ, bằng thiền quán,ta có thể đạt được một kinh nghiệm nhứt thời của sanh tử. Nó sẽ giúp cho ta có được một trực nhận về sự sanh diệt của tâm thức xảy ra giống y hệt như thế. Trong khi tu tập thiền định, với một định lực mãnh liệt ta có thể làm phát triển một số thần thông. Có nhiều đạo sĩ trong các tôn giáo khác đã tu luyện được những thần thông này. Một trong những thần thông ấy là không những ta có khả năng nhìn thấy được những cõi khác, mà còn thấy được những sinh linh đang sanh tử luân hồi. Có người có được loạithiên nhản này. Vị thầy của tôi, khi bàn về vấn đề này, thường đi vào chi tiết, diễn tả những cõi trời khác nhau, và những thần thông phép lạ mà người ta có thể làm được. Nhưng bao giờ ông cũng kết luận bằng câu: "Các ông không cần phải tin tôi. Sự thật là như vậy đó, nhưng không ai bắt buộc các ông phải tin". Không một tín ngưỡng nào cần phải được chấp nhận trên con đường thiền quán để tự hiểu mình. Trí tuệ đến bằng một phưong pháp giản dị là biết ý thức được sự vật một cách chính xác và thâm sâu, thoát ra khỏi mọi thành kiến và ý niệm có sẵn. 

-ooOoo-

Buổi tối thứ mười chín 
TÍN NGƯỠNG

Một trong những yếu tố tâm linh, và cũng là một trợ lực vững mạnh trên con đường tu tập, là sự tín ngưỡng hay lòng tự tin. Một khi chúng ta có đức tin vào chuyện mình đang làm, thì bất cứ một nỗi nghi ngờ, chán nản nào làm ta chùng bước, cũng sẽ trở nên bất lực. 

Có nhiều loại đức tin khác nhau có thể phát hiện. Loại thấp nhất là khi ta có một đức tin hay một tín ngưỡng đối với người nào hay điều gì, chỉ vì ta cảm thấy ưa thích nó. Chúng đem lại cho ta một cảm giác nhẹ nhàng, hứng khởi, nên ta đặt đức tin của mình vào đấy. Những loại tín ngưỡng này thì dễ đi đến mù quáng. Một loại đức tin cao hơn là khi ta cảm nhận được một số đức tốt trong một người khác, như là trí tuệ và lòng từ bi. Ðức tin này rất là hữu ích, vì sự cảm phục cũng là một đức tốt của tâm, nó khuyến khích ta bắt chước theo những điều hay đẹp đó. 

Cũng có những đức tin và lòng tín ngưỡng phát xuất từ một kinh nghiệm về chân lý của mình. Khi ta bắt đầu kinh nghiệm được sự hoạt động của thân tâm một cách thâm sâu, ta sẽ có được một niềm vui và lòng tin bất tận vào giáo pháp. Nó không dựa trên một tình cảm mù quáng hay ở sự kính phục một người khác, mà được xuất phát từ một trí tuệ quán chiếu nhìn thấy tự thân của sự vật. Và điều này dẫn đến một đức tin cao thượng nhất, khai triển qua kinh nghiệm giác ngộ. Bằng một quán chiếu thẳm thấu, thấy được chân lý, đức tin của ta sẽ không bao giờ bị lay chuyển. 

Khi đức Phật sắp nhập diệt, Ananda hỏi Phật, các ông không biết rồi sẽ lấy ai để làm thầy. Ngài trả lời:

"Hãy tự thắp đuốc lên mà đi. Hãy nương tựa vào nơi chính mình. Các ông đừng đi tìm kiếm một nơi trú ẩn nào ở bên ngoài hết. Hãy xem chân lý như là ngọn đuốc dẫn đường. Hãy xem chân lý như là nơi trú ẩn. Này Ananda, những ai trong lúc ta còn sống hay sau khi ta đã nhập diệt, biết tự thắp đuốc lên mà đi lên mà đi, không tìm kiếm bất cứ một sự nương tựa nào ở bên ngoài, lúc nào cũng xem chân lý như là một ngọn đuốc dẫn đường, một nơi trú ẩn, những người ấy sẽ đạt đến một trình độ cao thượng nhất, nhưng họ phải biết luôn luôn cố gắng học hỏi" 

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục | 01| 02 | 03 | 04 | 05

 

Source: Thư viện Hoa Sen, http://www.thuvienhoasen.org

[Trở về trang Thư Mục]
last updated:
15-12-2003